August 12, 2016

CON NGỦ ĐI CON


… đớn đau ngoài kia, mình ba chịu được rồi (*)

Trên đây là tựa đề của một quyển sách viết về một người cha tâm sự với con, khuyên con những điều hay lẽ phải khi ông không có thể ở bên con từ lúc con chào đời tới lúc trưởng thành, đọc nó ta nhìn thấy một người cha rất thương con, muốn ở gần con mà vì một lý do nào đó, ông chỉ có thể viết cho con bằng “mẩu bút chì tí hin”“với tập giấy học sinh mòn cũ”, viết cho con và “cho cuộc đời nghiêng ngả ngoài kia”. Đọc nó, tôi cảm thấy, phải chi có một người cha như thế trong đời thực và ước gì hồi ở tuổi cậu bé này, mình đã được đọc nó, thay cho những lời khuyên dạy mà tôi không có được từ người cha quá ít nói của mình.

Tú- người cha trong sách đã giải thích với con rằng: “Vì nuôi một con chó, với nhiều người có thể là phiền phức, là tốn thời gian, là dơ bẩn căn nhà, nhưng đó lại là khi người ta bước đầu học cách để quan tâm, chăm sóc cho một sinh linh khác, yếu ớt hơn mình”. Ông kết luận: “điều quý giá nhất một chú chó có thể dạy cho mình, đó là sự bất biến của tình yêu và lòng trung thành vô hạn… Với chúng ta, chú chó nhỏ chỉ là một phần trong cuộc đời, nhưng ngược lại, chúng ta là cả cuộc đời của nó”. Từ tình thương đó , ông nhắc nhở đứa con rằng:”ba mẹ chỉ là một phần trong đời của con, nhưng với ba mẹ, con là cả một cuộc đời”. Chắc chắc là như vậy rồi, mỗi năm trôi qua, con lớn thêm một tuổi, khỏe mạnh, hồng hào, đầy nhựa sống của tuổi trẻ. Cha mẹ cũng lớn thêm một tuổi, nhưng mà tuổi này là tuổi của xanh xao, hao gầy, nhiều nếp nhăn trên trán mà hiếm đứa con nào nhận ra điều đó, vì cái chúng luôn nhận được là “con ngủ đi con, đớn đau ngoài kia mình ba (me) chịu được rồi”- chịu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn mong chờ được nhìn thấy con lần cuối. Chờ như ông cậu Tám của tôi, lúc ông bị tai biến, ông chờ người con cả về, khi ông con cả về được chừng một lát sau thì ông cậu Tám tôi mất. Hình như những người già luôn muốn make sure (chắc chắn là) con cái mình ổn – bình an trước khi mình ra đi vĩnh viển. Tôi không rõ lắm, cũng không biết về già mình có như vậy không, nhưng sau vài sự kiện mất người thân trong gia đình, tôi rút ra điều đó. Quả thật, “tình cảm gia đình cũng như không khí ngoài kia, nó luôn tồn tại, vô điều kiện đến mức người ta thường quên đi sự hiện diện và cần thiết của nó trong cuộc sống”- đến mức khi một người họ hàng nằm xuống ta mới ngỡ ngàng và cảm nhận sâu sắc cái gọi là “tình cảm gia đình”.

Quyển sách cho ta thấy chân dung một người cha rất mực thương con, từng bức thư gửi con là từng bài học kinh nghiệm sống từ cuộc đời ông, ông đem chia sẻ, khuyên dạy con mình, một phương pháp giáo dục bằng “thân giáo” đầy hiệu quả. Tuy nhiên, cái kết bất ngờ là người mẹ lại là người kết thúc chuỗi thư từ này thay vì là người cha phải viết.

Mùa Vu Lan báo Hiếu, người ta nhắc quá nhiều đến người mẹ đến nỗi quên đi sự hiện diện của người cha. Có lẽ xã hội bây giờ ngàng càng có nhiều bà mẹ đơn thân mà hiếm khi thấy những ông bố đơn thân. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn viết về cha qua cảm nhận về quyển sách này, như một cách nhắc nhở và một sự công bằng (ghi nhận công ơn của cả ba và mẹ) và vì thực tế cũng không thiếu những người cha lo lắng, quan tâm con cái như vị nam phụ huynh đoàn sinh ở đơn vị tôi từng sinh hoạt.

Có lần, chị tôi viết thư về bảo rằng chị không thể nào quên được hình ảnh ba tôi ngồi bán pháo chiều ba mươi tết (lúc đó Sài Gòn còn cho đốt pháo) để kiếm tiền cho gia đình tám miệng ăn xài tết. Ba tôi là người chân chất không biết nói những lời văn chương hoa mỹ nhẹ nhàng. Tôi xin mượn quyển sách này để tôi và, có thể là, các anh chị em nữa, hiểu thêm về cha, để thấy được rằng đằng sau những lời nói cộc cằn là tình yêu thương “cao như núi Thái”; để những người cha trên thế gian này cũng vui lòng rằng mình cũng được nhắc nhớ trong mùa Vu Lan báo Hiếu.

Brambleton, mùa Báo Ân

_(())_ Diệu Hoàng


(*) Tựa đề bài viết lấy theo tựa đề của quyển sách “Con ngủ đi con…” của tác già Nguyễn Ngọc Thạch.

No comments:

Post a Comment