May 25, 2015

BÀI GIẢNG VỀ BẾP LỬA

Hôm qua, anh Quảng Lợi cho các em chơi trò chơi, đầu tiên là nói các vật dụng trong nhà bếp cho người bên phải mình, sau khi hết một vòng, sẽ hỏi ngược trở lại người bên trái mình và câu trả lời của người bân trái sẽ là món đồ trong nhà bếp đó. Trò chơi nhằm có những câu hỏi và câu trả lời dí dỏm tạo tiếng cười hóm hỉnh, ví dụ như: bạn đang ngồi trên cái gì? – Trên bếp điện từ. Bạn chải đầu bằng gì? – Bằng cái muỗng,… Nhưng sau đó, các câu trả lời hầu hết đều là bếp ga, bếp ga, mặc cho câu hỏi là gì đi nữa câu trả lời như một mẫu số chung: Bếp ga, không nói về việc các em chưa biết đặt câu hỏi cho đúng mục đích gây cười, nhưng nói về vật dụng nhà bếp, chao ôi, sao mà “nghèo nàn” quá, chỉ là bếp ga, lò vi sóng, chén, đũa,… Vậy ra bếp của các gia đình ngày nay là thế, các em đâu có biết thế nào là tro, là củi lửa, là bếp than hồng, là khói cay mắt bà và mẹ khi đun bếp, cái thời của “khói lam chiều” hình như đã qua rồi, hay chỉ còn trong sách vở hoặc là trong tâm tưởng thế hệ 8X chúng tôi, nó làm cho các em không có nhiều vốn từ về nhà bếp. Vì nhà bếp hiện đại sang trọng bây giờ là thế, chưa nói đến sang trọng, chỉ là bếp ga đã quá phổ biến, bây giờ ai xài lò (bếp) dầu nữa, ít nhất cũng là bếp ga, khá hơn nữa là bếp từ, bếp điện, cũng phải thôi vì nghiên cứu cho thấy khói bếp có thể làm gây ung thư, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nghĩ mà thương các em, sự hiện đại làm các em không biết và những danh từ thuộc về nhà bếp hình như không tồn tại trong đầu các em, viết tới đây nhớ cái ống tròn tròn dài dài dùng để thổi lửa, cho tro than trong bếp cháy bùng lên, hồi nhỏ, có một vài lần được quan sát người ta đun bếp như thế, chứ thời của chúng tôi cũng đã “sung sướng” không phải lui cui dưới bếp như thế hệ mẹ và chị ngày xưa, nhưng những gì của một bếp quê nghèo, chắc phải gọi là bếp quê nghèo thôi, vì nó không có lò vi sóng, máy rửa chén hay thiết bị hiện đại nào hết, trộm nghĩ, chẳng lẽ “dàn dựng” một “cái bếp ngày xưa” và hướng dẫn, nói cho các em nghe về “cái bếp”, “bếp lửa hồng ấm áp, thắp sáng từ tay mẹ hiền…” chứ không phải lửa xanh, lửa đỏ bật lên từ khí gas trong cái ống dẫn gas vô tri, vô giác. Cái chái bếp mà nhiều thế hệ đã lớn lên từ đó, đi xa mấy cũng nhớ về, có mùi rơm rạ, củi lửa, dừa khô, cỏ khô, bất cứ thứ gì có thể nhóm bếp để dành cho mẹ, cho chị làm bếp, thổi lửa, nấu cơm, còn có cây quạt bếp, một cây đũa bếp (đũa cả), thầm nghĩ có nên chăng đưa vào chương trình “thường thức” một bài giảng về “cái bếp” để các em thấy được thế hệ đi trước đã “sống” như thế nào, đã trải qua khó khăn như nào để giờ đây đứng trước các em truyền trao Phật pháp, hướng dẫn Chuyên môn. Âu cũng là một cách tăng vốn từ cho các em, mở rộng sự hiểu biết mà chưa chắc những đứa trẻ đến trường được học, chỉ những em đi sinh hoạt Gia đình Phật tử được học thôi! Xa hơn nữa là giữ gìn giềng mối dân tộc, cái truyền thống làng quê Việt Nam với hình ảnh khói bếp bay bay, khói lam chiều ngày xưa của me, của anh và của chị, xuất hiện không ít trong những hình ảnh quảng cáo du lịch Việt Nam.

Đạo Phật gắn liền với dân tộc, với quê hương, đất nước, trong đó có không thể thiếu cái bếp than hồng. ‘Ký ức về cái bếp than hồng’ nghe nó ‘xuôi tai’ hơn là, ‘ký ức về các bếp điện từ’! Nói vui thôi chứ làm sao bằng cái ánh lửa nhóm lên từ tình thương của mẹ, của cha, hay của sư chú, của thầy nấu cho tụi con trong trại Anoma Niliên-Tuyết Sơn vừa rồi ở Trà Vinh- “chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau”- câu chuyện Pháp đàm trong khi làm bếp rôm rả và sôi nổi. Cái bếp than, tạm gọi là bếp than vậy, chắc bây giờ chỉ còn tồn tại ở một số chùa, hoặc vài căn hộ như nhà tôi, vẫn còn giữ lại cái bếp lò, chụm củi, uống nước dừa xong, chặt vỏ ra, phơi khô để dành nhóm lửa, như giữ một phần hồn quê giữa lòng phố thị.

Và niềm băn khoăn có nên đưa bài giảng ‘cái bếp’ vào chương trình thường thức, vẫn là một ý nghĩ chợt lóe lên khi “bức xúc” về cái bếp… Cám ơn trò chơi của anh Quảng Lợi, cám ơn các em đã tham gia trò chơi, mong qua những dòng này, các em hiểu thêm về “cái bếp”, sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn khi có dịp ngân nga hát bài “Bếp lửa hồng của mẹ”.

Viết xong ngày 25 tháng 05 năm 2015 (mồng 8 tháng tư PL 2559) tại Sài Gòn


Phước Định

May 05, 2015

DIỄN VĂN KHAI MẠC TRẠI VƯỢT BẬC GĐPT THIỆN HOA 2 2014 - 2015

Trại vượt bậc mỗi năm là đánh dấu sự lớn mạnh của một gia đình, đánh dấu một năm học tập của đòan sinh, đánh dấu sự tiến bộ của các em trên bước đường tu học và hoàn thiện bản thân, để trở thành những đoàn sinh gương mẫu trong Gia đình Phật tử, những đưa con ngoan trong gia đình, người công dân tốt của xã hội.

Các em thân yêu, năm nay trại vượt bậc của chúng ta tổ chức không như mọi năm là chúng ta có một cuộc trại xa trú quán. Năm nay, chúng ta sẽ tổ chức trại vượt bậc trong khung cảnh đầm ấm tại Hưng Quốc tự, cũng là trú quán của Thiện Hoa 2 chúng ta.

Thưa các anh chị huynh trưởng cùng đoàn sinh thân yêu của Thiện Hoa 2, trại vượt bậc của Thiện Hoa 2 dù tổ chức xa hay gần thì chúng ta cũng phải chu toàn cho ngày trại.

Nguyện cầu hồng ân chư Phật gia hộ ban huynh trưởng và đoàn sinh tinh tấn trong học tập và vui vẻ trong sinh hoạt.

Chúc trại vượt bậc Tất Đạt Đa lần thứ 21 được thành công viên mãn.

Thay mặt ban huynh trưởng Thiện Hoa 2, tôi xin tuyên bố khai mạc trại vượt bậc lần thứ 21 của Gia đình Phật tử Thiện Hoa 2.

Nam mô thường tinh tấn bồ tát Ma ha tát.

TM BHT GĐPT Thiện Hoa 2,
                                                                                                                          Gia trưởng (đã ký)


                                                                                                                  Diệu Hoa – Nguyễn Kim Liên

TẢN MẠN THÁNG TƯ (tặng ché Lành)

Ngày mười tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, những ngày cuối cùng của cuôc chiến tranh Việt – Mỹ, còn hai mươi ngày nữa là giải phóng miền Nam, là Việt Nam hoàn toàn độc lập, giữa những ngày Sài Gòn“ hoang mang lo sợ” không biết sẽ về tay ai, giữa những bất an của cuộc chiến, giữa những tín hiệu tháo chạy đầu hàng, thì một chút bình an ở phía Tây thành phố, một bé gái chào đời ở nhà sanh Thanh Phú, như một định mệnh chăng?! Ngày dân Sài Gòn đổ xô đón chào quân giải phóng, bé gái ấy được hai mươi ngày tuổi, cực khổ lo toan, Sài Gòn mới giải phóng thiếu ăn, trẻ suy dinh dưỡng, Má lo hoài đặt tên là Lành cho chị mau hết bệnh… Bốn mươi năm sau, ‘bé gái’ ấy 'xách' va li đi Mỹ, như là được sinh ra một lần nữa, trên đất Mỹ, bắt đầu một cuộc sống mới…

… Con cám ơn trời đất cho chị con đi Mỹ, mừng không nói nổi thành lời…

Bây giờ cũng ngày muời tháng tư, mà là của năm hai ngàn không trăm mười lăm, chị tranh thủ tạm biệt Sài Gòn, chào nắng mới ở Virginia càng sớm càng tốt nghen, Má Lành!...


(Viết những dòng này xong, đọc lại không muốn sửa nữa…)