June 28, 2016

CON PHẬT

... Thím tôi là đứa con gái “lai Tây” bán trái cây ở chợ An Đông phụ má, giữa những ngày Sài Gòn mới giải phóng. Thím kể, mấy anh chị lớn không dám bưng bê trái cây vô nhà lồng chợ bán, sợ bạn bè thấy, mắc cỡ, còn thím, vì “khi lớn lên mới được má nhận về nuôi thì mừng lắm cho nên đi theo má à!”

---

“Thím được má gửi vô chùa nuôi từ khi còn rất nhỏ, khi má thím vô chùa dẫn thím về thì lúc đó hình như thím được sáu – bảy tuổi à!”. Tôi chưa nói thím tôi tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử ở Việt Nam, nhưng hình như có một sự liên hệ vô tình hay hữu ý nào đó, thím cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng thím được các sư cô nuôi dưỡng và thím ở trong chùa. Thím hay bắt đầu bằng câu “từ nhỏ thím đã ở trong chùa, mấy sư cô nuôi thím…” khi thím kể cho tôi nghe về thời trẻ của mình, về khoảng thời gian cực khổ, đầy khốn khó, dường như đó là sự biết ơn và trân trọng nhà chùa đã cưu mang, nuôi dưỡng và giáo dưỡng thím, để khi thím về lại với má thím, thì một mặt, thím rất mừng là giờ mình có má, một mặt những gì thím được sư cô dạy ở chùa như một thứ vũ khí vô hình đã giúp thím đứng vững trước “giông bão cuộc đời”- dù lúc rời chùa thím chỉ bằng tuổi một đứa học sinh cấp một, chưa “giác ngộ” được gì nhiều từ những lời kinh Phật. Thím chỉ biết tới giờ, lên tụng kinh, “tụng theo sư cô mà đâu có hiểu gì đâu”. Rồi khi ra đời, trở lại với cuộc sống đời thường, cũng đâu có được đi học vì hoàn cảnh gia đình không cho phép, thím phải theo má bán trái cây. Cuộc sống ở chợ, nơi thím buôn bán, và ở chợ đời thì các bạn cũng đã biết rồi đó, đủ mọi thành phần khác nhau, nhưng  thím không để mình bị nhiễm những thói quen xấu, thím biết ăn trộm, ăn cắp là xấu, cân thiếu cho người ta là không đúng, thím không buôn gian bán lận, không nói thách để người ta trả giá. Cái sạp của thím và má thím rất có uy tín ở chợ. Những chiều bán ế, thím bưng mâm trái cái vô chợ, nài nỉ mấy bà trong chợ mua giùm.

Chắc gương mặt lai Tây và hàng ngày đi dọn hàng giúp má đã gây sự chú ý và làm cô bác trong chợ cảm động mua giùm thím, thím còn được “lên báo” vì tấm gương hiếu thảo, còn nhỏ mà biết đỡ đần cha mẹ.

Thím rất biết ơn chú tôi vì đã hỗ trợ tài chính để má thím không bán thím lấy ba cây vàng, bán thím cho người ta làm giấy tờ đi Mỹ, chú thím lấy nhau chưa phải vì yêu mà một phần vì ân nghĩa, thím nói vậy. Như những người con Phật, thím kể về những biến cố trong đời không trách móc, không phê phán, mặc dù má thím có ý định bán thím, nhưng thím vẫn rất mực thương yêu và hiếu thảo với bà. Tôi nghe như thím thực hành lòng từ bi của đức Phật vậy. Chú thím lấy nhau sinh được em họ tôi thì thím có giấy tờ đi diện con lai. Thím lại tiếp tục hành trình cuộc sống ở một nơi có bốn mùa rõ rệt, không phải hai mùa mưa nắng như ở Sài Gòn: thành phố Alexandria, nước Mỹ. Những tưởng thím sẽ là một Phật tử thuần thành vì thím có ‘cái gốc” từ đạo Phật mà ra và nhờ cái “ba - bốn năm ở chùa” đó đã giúp thím vượt qua những phân biệt đối xử và “cái nhìn” nghiệt ngã mà xã hội dành cho những đứa con lai sau ngày giải phóng. Vậy mà, không, thím tôi giờ là một “con chiên ngoan đạo”. Những ngày mới đặt chân lên đất nước của tự do, được các mục sư giúp đỡ và, theo tôi, có lẽ là truyền đạo, thím dần trở thành một người tích cực trong các hoạt động mà trong đạo Tin Lành gọi là “người hầu việc” Chúa. Thím dự lễ nhà thờ, cùng các anh chị em khác trong hội thánh tổ chức nhóm họp, … như tôi là huynh trưởng Gia đình Phật tử, cùng sinh hoạt và tổ chức sinh hoạt với các anh chị em gia đình Phật tử.

Tuy nhiên, trước khi chính thức “cải đạo”, thím đã mất một năm băn khoăn, ray rứt với sự lựa chọn tôn giáo của mình. Bẵng đi một năm, thím không dám quay lại nhà thờ, cũng không đi chùa. Những tháng ngày đó, khi “chọn” Chúa thì thím cảm thấy “áy náy” với Phật, cảm thấy như mình có lỗi, rồi khi biết ra Chúa hay Phật cũng là một hình thái của đạo… thì thím cảm thấy thoải mái hơn khi gia nhập hội thánh Tin Lành ở nhà thờ Parkwood.

Tôi thấy thím sống một cuộc đời rất là thanh bần, là chủ của hai ngôi nhà, một ở, một cho mướn, có con gái là hoa hậu Châu Á nổi tiếng, nhưng thím sống chan hòa với tất cả mọi người. Những chướng ngại hoặc những điều tiếng xấu xa mà đồng nghiệp hay bạn bè gây ra cho thím, thím kể lại với giọng điệu không ganh ghét, hận thù, không phải kể tội người ta mà “cái đó là thử thách, để mình vượt qua và có Chúa luôn dõi theo mình trong từng việc mình làm”, thím nói vậy đó. Thím từ bi và thánh thiện đúng nghĩa. Chú có hỏi tôi: “Con tiếp xúc với thím, con có tìm được khuyết điểm nào của thím hông?” Tôi thiệt không biết phải trả lời sao! Từ năm chín mươi (thím định cư ở Mỹ) đến nay, từ nguồn gốc là một người con Phật cho đến làm một người con của thánh Giê-hô-va, là cả một quá trình biến chuyển từ cuộc sống xã hội đến đời sống tâm linh của thím. Chú mất mười ba năm mới chịu theo thím đi nhà thờ dự lễ mỗi tuần. Thím đã chuyển hóa các thành viên trong gia đình bằng cái “thân giáo” và “huân tập” của mình. Tôi thấy thím vận dụng rất hay và khéo léo. Cuộc sống của thím bây giờ thoải mái về kinh tế so với một kẻ “chân ướt, chân ráo” như tôi, có lẽ tôi làm thím nhớ lại thím của hai mươi sáu năm về trước nên thím tâm sự nhiều lắm, kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Càng nghe, tôi càng cảm phục thím, sự hy sinh cao cả, tính kiên nhẫn, cứng rắn và kiên định, mềm mỏng nhưng dứt khoát. Diệu Hiền là pháp danh của thím, thím hay đùa, khi thím nói chuyện nhỏ nhẹ, dịu dàng thì thím là “con Hiền”, còn khi cần đấu tranh, dùng những lời lẽ và giọng điệu mạnh mẽ để bảo vệ lẽ phải thì thím là “con Mai”- tên “ngoài đời của thím. Thím tôi rất là hài hước. Tôi không biết tên thánh của thím là gì, chưa có dịp hỏi thím, nhưng điều tôi thắc mắc hơn cả là: tại sao Phật đã “đào tạo” nên một người con Phật “giỏi giang“như vậy mà Phật lại “trao” người đó vào tay Chúa?!

Phước Định
Viết xong vào một đêm mùa hè lạnh ở Virginia-nước Mỹ, 26/06/2016