March 11, 2014

Bài viết cho Ưu Đàm 20- chu niên 2013' - PL2557



TẢN MẠN MỘT CHUYẾN ĐI

Năm tôi bắt đầu bước chân vào sinh hoạt gia đình Phật tử, tìm hiểu Phật pháp, học lịch sử đức Phật Thích Ca, .... Tôi không nghĩ rằng hai mươi năm sau, cũng là năm kỷ niệm hai mươi năm tái sinh hoạt Gia đình Phật tử Thiện Hoa 2 của tôi (1993 – 2013), tôi lại được đặt chân lên đất Phật. Một sự trùng hợp chăng hay một sự ‘tưởng thưởng’ cho những tháng ngày miệt mài kinh sách?! Dù gì đó cũng là một cột mốc thật tình cờ đối với riêng tôi.

Những bài học Phật pháp những câu chuyện tiền thân, đối với tôi ngày ấy (thập niên 90), như là những câu chuyện cổ tích hoặc là truyền thuyết, tôi đâu ngờ ở một đất nước xa xôi, Ngài đã đang hiện diện cách đây hơn hai lăm thế kỷ, hơn bốn mươi chín năm hoằng pháp, để chúng tôi có sự kiện lịch sử để học, để nghiên cứu, để thuyết trình và để “làm kiểm tra” như bây giờ. Học lịch sử Việt Nam, học “chiến tranh thế giới”, nào là quân đồng minh, phe phát xít, sao mà nhầm tới nhầm lui, học tiểu sử Ngài (đức Phật Thích Ca) nó cũng dài và chi tiết không kém vậy mà vẫn nhớ, không sao quên được, cho dù có lu bu công việc, có nghỉ sinh hoạt một thời gian, vào sinh hoạt lại, vẫn nhớ, chẳng biết vì sao nữa, cả những bài hát, bài Trầm Hương Đốt, bài Sen Trắng, bài chào cờ Gia đình,… Cứ nghe là hát, không vấp chữ nào. Những sự việc này, tôi nghĩ phải mất hai mươi năm, nó mới tự động sao lưu vào bộ nhớ, chẳng cần phải học lại, chẳng cần mở tập ra xem, vẫn thuộc từng chữ, vẫn nhớ từng giai điệu, như là ‘ăn sâu vào máu’, giống như ‘nước lèo chảy trong huyết quản của chúng ta’ (phim Kungfu Panda), thì chúng tôi đây, dòng máu Lam chảy trong huyết quản tự hồi nào, một cách rất tự nhiên, không nhồi nhét, một sự huân tập.

Khi sang đất Phật, những bài Phật pháp về Ngài bỗng hiện ra sống động, tôi chạm tay lên bờ rào, gờ tường, thân cây, ngọn cỏ, bước chân lên vùng đất mà trước đây, Ngài đã đi. Nơi cội vô ưu, Ngài bước những bước chân đầu tiên đến với cõi đời này, Ngài không khóc, Ngài mang một thông điệp dễ hiểu mà muốn thực hiện được nó thật không dễ, “thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Từng chốn đi qua, nghe như âm vang của thời gian tái hiện, này là lăng tẩm của cha mẹ Ngài, này là chỗ Ngài thuyết pháp, này là dòng sông nơi Ngài ngất xỉu, cái dòng sông nay chỉ là mặt đất khô cằn, người dân Ấn Độ tôn tạo thành di tích. Những trụ đá, trụ đá A Duc Vương đây ư?! Tôi đã học về cái trụ đá này. Ôi! Sao mà đi tới đâu giống như là tôi được “ôn bài” tới đó. Và tự nhiên tôi hát, từ những bài hát Đản Sanh đến những bài Thành Đạo, nghe sao nhạc Phật giáo Việt Nam mình đầy đủ quá! Đầy đủ và phù hợp với từng nơi chốn, từng sự kiện xảy ra với đức Phật, không biết nhạc Phật giáo các nước khác có thế không. Thiết nghĩ chỉ có những người thấm nhuần đạo Pháp mới có thể sáng tác nhưng bài hát hay và ý nghĩa như thế và cái nôi có thể nuôi lớn một trong những “tài năng” như vậy, là Gia đình Phật tử, tự dưng, cảm được cái hay hay của Gia đình Phật tử, thấy rằng Nhân – Quả, rằng bạn cứ hành động và tin vào một kết quả tốt đẹp. Vì chuyến đi tôi có được là một chuyến đi không định trước. Mặc dù tôi cũng có chuẩn bị, cho Má và tôi, rồi cuối cùng có những chướng duyên, rồi cũng có thuận duyên, để khuya nay tôi có thể ngồi gõ những dòng này cho kịp những tâm tư từ lúc trở về thành phố Hồ Chí Minh đến giờ, mới có dịp trải ra.

Tôi tự nhủ sau chuyến đi sẽ tinh tấn tu học và phụng sự hơn, thầm biết ơn những anh chị em áo Lam khác đã hỗ trợ tôi trong thời gian tôi không có ở Việt Nam lẫn thời gian tôi bận những công việc công ty. Màu áo Lam, chắc chẳng thể nào tôi làm phai mờ nó được, bằng chứng là tôi mặc áo dài Lam đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng, tụng một thời kinh, ngồi thiền. Nhiều rất nhiều người từ khắp các nước, đủ thứ ngôn ngữ, nhưng khi vào phía trong gần gốc bồ đề nơi Ngài thiền định, chỉ có một lời kinh Phật, sự tĩnh lặng bao trùm, nghe linh thiêng từ hai ngàn hai trăm năm lẻ…

Sau chuyến đi, tôi sẽ tự tin hơn khi phụ trách bài “Lịch sử đức Phật Thích Ca”, tôi sẽ để dành bản đồ, để mai mốt dạy các em, đoạn từ “Sơ Sinh đến Thành Đạo” hay từ “Thành Đạo đến Nhập Diệt” sẽ có cái để minh họa cho các em. Ấy chết, viết ra đây, kẻo các em biết, đến khi dạy mà không có thì nguy! Bây giờ mạng internet phổ biến, các em có thể lên đó xem, lo gì?! Phải  không các em?!

Cảm xúc lẫn lộn sau hành trình dài, chuyển đổi đủ thứ các phương tiện, từ máy bay, xe lửa đến xe đò, chẳng biết cái nào nên nói trước, cái nào nên kể sau. Về tờ mờ sáng trên sông Hằng, cái lạnh buốt da, người run lập cập, cốc trà sữa nóng làm ấm lòng người, thả đèn hoa đăng cầu hạnh phúc bình an cho dân Việt, cho các anh chị em Gia đình Phật tử, cho Gia đình mình. Có đi mới thấy rằng người Việt bên ấy cũng không ít. Có qua mới biết người Việt làm từ thiện cũng nhiều, có “đi một sàng” mới thấy còn có nước nghèo hơn Việt Nam. Thấy nước mình vẫn còn hơn nước người ở một mức độ nào đó. Dọc dài xứ Ấn thấy  “toàn ăn xin”, người đi làm đâu mất rồi? Rằng là họ đi làm từ rất sớm, tín ngưỡng Bà La Môn, Ấn Độ giáo là đạo phổ biến ở đây mặc dù Ấn Độ là đất Phật, họ ghé lại thắp một ngọn nến, cúng một cành hoa hay đơn giản chỉ xá chào một cái trong ngôi đền nhỏ trên đường đi làm. Người Việt mình thì làm vậy ở nhà (đốt nhang trước khi ra khỏi nhà, …). Văn hóa khác.  Đó là một trong những cài “sàng khôn” tôi học được.

Mải tâm tình chuyến viếng thăm quê hương đức từ phụ Thích Ca, quên mất rằng ngày kỷ niệm chu niên lần thứ hai mươi đang đến rất gần, Nay chu niên lần thứ hai mươi rồi ư?! Tôi đã hai mươi tuổi Gia đình Phật tử rồi ư?! Mình đã đi sinh hoạt được hai mươi năm rồi ư?! Hỏi mà như đã trả lời. Một ngàn không trăm bốn mươi tuần sinh hoạt, lắng đọng lại trong một tuần diễn ra lễ chu niên, tôi thấy gì? Bạn cảm nhận được gì sao ngần ấy tuần đi trại, thi vược bậc, học Phật pháp, diễn văn nghệ, đi từ thiện, trại hè, …? Trưởng thành hơn hôm qua, bình an ở hiện tại, không có gì lo lắng ở tương lai bởi tất cả những gì đã học và tu tập, ta biết được rằng hạnh phúc trong từng sát na đang có, đủ Bi – Trí - Dũng để “đời ngũ trược, con thề vào trước”.

Chuyến hành hương trong năm đánh dấu một sự kiện đáng nhớ liên quan đến Gia đình Phật tử làm tôi thấy bồi hồi và thỉnh thoảng nghĩ ngợi về một sự hữu duyên trùng khởi. Mai này, không chỉ tôi, mà còn cầu mong cho tất cả anh chị em Thiện Hoa 2 sẽ có dịp trải nghiệm một chuyến tìm về đất Phật như thế!

_(())_ Sen Lam


NGƯỜI ÁO LAM

NGƯỜI từ khắp năm châu bốn bể,

ÁO sờn vai vì chương trình sinh hoạt, trại mạc gần xa, ...

LAM - hòa quyện tình Gia đình Phật tử bao la:

www.nguoiaolam.net