April 21, 2016

THÂN GIÁO

(Tưởng niệm thầy Thích Như Thích)

Khi hay tin thầy Thích mất, trong tâm trí tôi vọng lại câu nói:”một người thì “tiền hô, hậu ủng", một người thì lặng lẽ chẳng ai biết đến”, nói là để so sánh giữa thầy và thầy Nhất Hạnh (em thầy), tôi thầm nghĩ vậy thầy Thích mất chắc cũng “âm thầm” và ít người đưa tiễn vì ít người biết đến thầy quá, nhưng chiều nay, về trước linh cữu thầy, bước vào, tôi đã nghe thấy một mùi hương ngào ngạt, những chậu hoa tưởng niệm viếng thầy để gần đầy hết lối vào phúng viếng, vậy là thầy cũng có người biết đến chỉ là tôi hông biết mà thôi.

Nhớ hồi tôi biết thầy, từ nhỏ tôi đã thấy thầy hay đi xe đạp ngang nhà tôi, tôi không hiểu, hồi nhỏ cứ nghĩ thầy là người nghèo, người ăn xin, không hiểu sao hay đi ngang nhà tôi hoài, mặc chiếc áo tơi đúng nghĩa, nhìn giống tấm vải mùng á, các bạn ạ! Sau này đi sinh hoạt trong chùa, tôi mới biết thầy là sư tu trong chùa gần nhà tôi. Sau bao nhiêu năm, “thời trang” của thầy vẫn không đổi, vẫn chiếc áo tơi màu trắng đó, thầy đã “rong ruổi”, tôi không biết thầy “rong ruổi” những đâu nhưng về hay đi đều đi ngang nhà tôi cả, tuổi thơ tôi lớn lên cùng hình bóng của thầy trên con đường trước nhà, mỗi khi tôi nhìn thấy thầy, một cái vẻ quen quen kỳ lạ nhưng tôi không biết đó là gì. Sau này tôi mới biết thầy là anh của thầy Nhất Hạnh, vị thầy tôi rất là ngưỡng mộ và có thể nói là nổi tiếng khắp thế giới, hèn chi tôi cứ thấy quen quen, nhưng tôi vẫn chưa tin lắm về mối quan hệ này… Đến khi thấy thầy ít đi ngang nhà tôi nữa, tôi mới biết thầy già yếu đi nhiều, sau đó thì thầy không còn đi lại được nữa, chẳng còn bóng thiền nhân trong cái xóm Phú Bình này nữa rồi…

Thầy mất…

Ai hay cái gì nhìn đã quen mắt giờ tự dung không còn nữa, một kẻ nhạy cảm như tôi bỗng thẫy chạnh lòng. Sáng nay, dõi nhìn theo chiếc xe quan chở thầy ra nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa mà lòng dâng lên một nỗi niềm khó tả, thầy không có bà con gì với tôi hết, hình như thậm chí tôi chưa nói chuyện được mười câu với thầy, cớ sao tôi lại thấy không vui đến thế?! Nhớ những ngày tụi tôi học Phật pháp, thầy thỉnh thoảng đem trái cây, bánh ra “tiếp tế”, đang học đói bụng mà có đồ ăn là sướng lắm, nên tụi tôi khoái chí, cám ơn thầy lia lịa, hình như buổi nào học cũng được có cái gì đó để ăn. Rồi chúng tôi học hết bậc, lớp anh chị huynh trưởng phần đi nước ngoài, phần đi làm xa, chúng tôi lên lớp và có những chùa khác có chỗ để học nên chúng tôi không còn ngồi ở cái giảng đường (thật ra là cái nhà ăn, các bạn ạ!), cái giảng đường “ọp ẹp”, nhiều muỗi và không đủ sáng, chúng tôi chuyển qua chùa khác học, hoặc học bên đoàn quán của mình, không còn tối tối xúm nhau bên nhà ăn nữa, từ đó, chúng tôi cũng xa thầy, xa luôn cả bánh trái của thầy. Bây giờ, thầy nằm đó, trong cỗ áo quan có hương hoa lan và hoa lài ngào ngạt, khi chiếc xe lăn bánh đi trên đoạn đường đã được Gia đình Phật tử chúng tôi rải đầy hoa, tôi tưởng như thầy bước trên đường hoa đến cõi niết bàn. Cái xe đóng lại, hai cánh cổng nhỏ trên xe tạo thành chữ “phúc”, thầy đủ “phúc” trong cuộc đời rồi nên thầy đi đây con, tôi thấy trên di ảnh thầy một nụ cười thiền.

Đủ phúc, tang lễ của thầy ấm cúng, không có sự khóc lóc thảm thương mà chỉ có bóng y vàng rực rỡ, tôi đã bị choáng ngợp bởi y vàng rực rỡ đó, thật đẹp, thật trang nghiêm, tĩnh lặng, không gian trầm lắng trong tiếng chuông trống bát nhã âm vang, tiếng chuông trống bát nhã lần cuối cùng thầy nghe có hay không? Con thì nghe hay lắm, con thấy không có âm nhạc nào hay bằng tiếng chuông trống bát nhã cả. Thật kỳ lạ, khi thầy “đi” rồi, tôi lại có ý định muốn nói chuyện với thầy. À, nhớ có lần tôi có nói chuyện với thầy, đó là lúc thầy la “mấy nhỏ” (các em oanh vũ) không được đi dép lên sân trước chánh điện, tôi nghe thầy la vậy nên vôi vàng nhắc nhở các em và nghĩ sao thầy “dữ” quá. Lúc đó, tôi mới làm huynh trưởng nên cũng sợ lắm, sau này hông dám cho các em ra chánh điện nữa. À, mà như vậy có phải là một cuộc trò chuyện không nhỉ? Chưa hẳn, tôi cảm thấy mình “vô duyên” khi cảm thấy thương tiếc một người mà chưa có dịp thân cận nhiều, nhưng tại sao tôi vẫn thấy mất mát? Mấy năm gần đây tôi mất nhiều người thân, nên tin báo tử đến với tôi, tôi không bị sốc nhiều so với lần đầu tiên tôi nghe tin ngoại mất. Tôi đón nhận tin báo tử như một điều đương nhiên trong cuộc sống, như trên tay cầm một tấm thiệp hồng, như tôi vẫn thường hay hát nghêu ngao “đời người như án mây trôi, phiêu bồng vô định có rồi lại không, đã sinh ra chốn hồng trần, mấy ai tránh khỏi đôi lần tử sinh…” để nhắc nhở mình dành nhiều thời gian hơn cho người sống.

Viết đến đây tự nhiên nghẹn ngào xúc động, bóng thiền nhân quen thuộc của gia đình tôi, của má tôi, của chị tôi, đã không còn nữa. Và cái vị ở bên trời kinh đô ánh sáng Paris kia cũng đang chẳng khỏe mạnh gì, sao những người tôi yêu mến, quý trọng đều lần lượt…?!

Đến tiễn đưa thầy tôi mới thật sự khẳng định và giải tỏa mối nghi ngờ trong lòng, đó là thầy chính thật đúng là anh của thầy Nhất Hạnh, với phong cách thư pháp của những chữ trên tấm liễn chia buồn và sự hiện diện của đạo tràng Mai thôn, tôi mới xác nhận điều đó. Thật là có những chuyện “chết mới biết” chắc chắn J Tôi bật cười khi nhớ đến trường hợp tương tự mà chị bạn kể cho nghe, giả bộ làm đám ma cho ông chồng khi ông chồng đi công tác xa, mới biết ông chồng có bồ nhí, vì cô bồ nghe ông ấy chết thì ẵm con đến tìm. Cái sự liên tưởng này, tôi không có ý nói là thầy chết rồi tôi mới biết, nhưng chỉ là khẳng định một điều mà tôi không thể nào tin được vì thầy Nhất Hạnh và thầy Như Thích, sao khác xa nhau quá? Làm sao là bà con? Chỉ vẻ mặt giống nhau thôi, nhiều khi người giống người cũng được. Mặc dù, chị Minh Hương nói cho tôi biết và còn mỉa mai bằng câu nói “tiền hô hậu ủng” như tôi đã ghi ở trên, nhưng không hiểu sao tôi vẫn còn hoài nghi. Đến hôm nay thì hết hoài, hết nghi rồi. Thầy Như Thích đã trả lời cho tôi rồi đó, trả lời bằng một sự kiện của vô thường, hữu hình – hữu diệt. Khi biết rồi thì nếu được chọn, tôi muốn chọn cuộc sống thanh bần như thầy, thầy đã làm “thân giáo” cho rất nhiều Phật tử trong chùa Hưng Long (nay là chùa Hưng Quốc của chúng tôi) cũng như cho rất nhiều Phật tử biết đến thầy. Thân giáo, một trong những phương pháp giáo dục trong gia đình Phật tử. lấy mình làm gương để các em noi theo.

Thầy thong thả, thảnh thơi bước đi trong một ngày nắng đẹp, có “mưa hoa” (là Gia đình Phật tử chúng tôi tung hoa đó! J), có tiếng kệ kinh và dòng người đưa tiễn.

Thiền nhân nay “về trời phương ngoại” như đạo tràng Mai thôn đã thành kính tiễn đưa.

Gia đình Phật tử, những người áo lam chúng con cũng vậy, xin cung kính tiễn đưa thầy.

Ngày nắng tháng tư năm Bính Thân,
                                                                                                       
                                                                                                                  _(())_ Phước Định