August 12, 2016

CON NGỦ ĐI CON


… đớn đau ngoài kia, mình ba chịu được rồi (*)

Trên đây là tựa đề của một quyển sách viết về một người cha tâm sự với con, khuyên con những điều hay lẽ phải khi ông không có thể ở bên con từ lúc con chào đời tới lúc trưởng thành, đọc nó ta nhìn thấy một người cha rất thương con, muốn ở gần con mà vì một lý do nào đó, ông chỉ có thể viết cho con bằng “mẩu bút chì tí hin”“với tập giấy học sinh mòn cũ”, viết cho con và “cho cuộc đời nghiêng ngả ngoài kia”. Đọc nó, tôi cảm thấy, phải chi có một người cha như thế trong đời thực và ước gì hồi ở tuổi cậu bé này, mình đã được đọc nó, thay cho những lời khuyên dạy mà tôi không có được từ người cha quá ít nói của mình.

Tú- người cha trong sách đã giải thích với con rằng: “Vì nuôi một con chó, với nhiều người có thể là phiền phức, là tốn thời gian, là dơ bẩn căn nhà, nhưng đó lại là khi người ta bước đầu học cách để quan tâm, chăm sóc cho một sinh linh khác, yếu ớt hơn mình”. Ông kết luận: “điều quý giá nhất một chú chó có thể dạy cho mình, đó là sự bất biến của tình yêu và lòng trung thành vô hạn… Với chúng ta, chú chó nhỏ chỉ là một phần trong cuộc đời, nhưng ngược lại, chúng ta là cả cuộc đời của nó”. Từ tình thương đó , ông nhắc nhở đứa con rằng:”ba mẹ chỉ là một phần trong đời của con, nhưng với ba mẹ, con là cả một cuộc đời”. Chắc chắc là như vậy rồi, mỗi năm trôi qua, con lớn thêm một tuổi, khỏe mạnh, hồng hào, đầy nhựa sống của tuổi trẻ. Cha mẹ cũng lớn thêm một tuổi, nhưng mà tuổi này là tuổi của xanh xao, hao gầy, nhiều nếp nhăn trên trán mà hiếm đứa con nào nhận ra điều đó, vì cái chúng luôn nhận được là “con ngủ đi con, đớn đau ngoài kia mình ba (me) chịu được rồi”- chịu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn mong chờ được nhìn thấy con lần cuối. Chờ như ông cậu Tám của tôi, lúc ông bị tai biến, ông chờ người con cả về, khi ông con cả về được chừng một lát sau thì ông cậu Tám tôi mất. Hình như những người già luôn muốn make sure (chắc chắn là) con cái mình ổn – bình an trước khi mình ra đi vĩnh viển. Tôi không rõ lắm, cũng không biết về già mình có như vậy không, nhưng sau vài sự kiện mất người thân trong gia đình, tôi rút ra điều đó. Quả thật, “tình cảm gia đình cũng như không khí ngoài kia, nó luôn tồn tại, vô điều kiện đến mức người ta thường quên đi sự hiện diện và cần thiết của nó trong cuộc sống”- đến mức khi một người họ hàng nằm xuống ta mới ngỡ ngàng và cảm nhận sâu sắc cái gọi là “tình cảm gia đình”.

Quyển sách cho ta thấy chân dung một người cha rất mực thương con, từng bức thư gửi con là từng bài học kinh nghiệm sống từ cuộc đời ông, ông đem chia sẻ, khuyên dạy con mình, một phương pháp giáo dục bằng “thân giáo” đầy hiệu quả. Tuy nhiên, cái kết bất ngờ là người mẹ lại là người kết thúc chuỗi thư từ này thay vì là người cha phải viết.

Mùa Vu Lan báo Hiếu, người ta nhắc quá nhiều đến người mẹ đến nỗi quên đi sự hiện diện của người cha. Có lẽ xã hội bây giờ ngàng càng có nhiều bà mẹ đơn thân mà hiếm khi thấy những ông bố đơn thân. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn viết về cha qua cảm nhận về quyển sách này, như một cách nhắc nhở và một sự công bằng (ghi nhận công ơn của cả ba và mẹ) và vì thực tế cũng không thiếu những người cha lo lắng, quan tâm con cái như vị nam phụ huynh đoàn sinh ở đơn vị tôi từng sinh hoạt.

Có lần, chị tôi viết thư về bảo rằng chị không thể nào quên được hình ảnh ba tôi ngồi bán pháo chiều ba mươi tết (lúc đó Sài Gòn còn cho đốt pháo) để kiếm tiền cho gia đình tám miệng ăn xài tết. Ba tôi là người chân chất không biết nói những lời văn chương hoa mỹ nhẹ nhàng. Tôi xin mượn quyển sách này để tôi và, có thể là, các anh chị em nữa, hiểu thêm về cha, để thấy được rằng đằng sau những lời nói cộc cằn là tình yêu thương “cao như núi Thái”; để những người cha trên thế gian này cũng vui lòng rằng mình cũng được nhắc nhớ trong mùa Vu Lan báo Hiếu.

Brambleton, mùa Báo Ân

_(())_ Diệu Hoàng


(*) Tựa đề bài viết lấy theo tựa đề của quyển sách “Con ngủ đi con…” của tác già Nguyễn Ngọc Thạch.

August 10, 2016

HIẾU THIỆN

“Thưa cô, con là anh hai của Thư, con đi làm xa, con rất thương em Thư, con cám ơn cô đã dạy bảo Thư”.
“Những điều ghi trong đây là đúng hết. Cô ơi, nhiều khi ăn cơm ở nhà cháu rất làm biếng ăn, nhiều khi sai nhờ việc gì cũng lười chưa chịu làm liền, nhờ cô nhắc nhở cháu giùm”.

“Cám ơn cô, cháu chịu ăn chay, thấy cháu ăn chay được nên tôi cho cháu ăn chay mười ngày…”

Đó là những lời nhận xét đơn sơ, mộc mạc; những chia sẻ chân tình mà thỉnh thoảng tôi bắt gặp trên những trang sổ Hiếu Thiện của các em vào mỗi chiều chủ nhật. Sổ Hiếu Thiện, hay còn được chúng ta gọi tắt là sổ Hiếu. Quyển sổ Hiếu tôi làm theo mẫu sỗ Hiếu khi tôi còn là Oanh vũ được các anh chị làm cho, tôi theo mẫu đó làm lại cho các em trong khi chờ sổ in sẵn của Gia đình và mẫu  sổ chung của Ban hướng dẫn phát hành.

Tôi muốn sổ Hiếu được thực hành xuyên suốt năm cho nên trong thời gian chờ đợi đó, tôi làm sổ Hiếu bằng cách thủ công: lấy quyển tập học trò chín mươi sáu trang làm sổ Hiếu, trong đó ghi bốn mục chính: Hiếu thảo (việc nhà), Việc thiện, Tu thân (ăn chay, niệm Phật) và Sinh hoạt (em có đi sinh hoạt tuần đó hay không), sau cùng là phần nhận xét cùa phụ huynh (nằm bên trái quyển tập) và nhận xét của đoàn trưởng (nằm bên phải quyển tập). Hàng tiêu đề dùng để ghi thời gian, tuần lễ từ ngày tháng của tuần sinh hoạt này đến ngày tháng của tuần sinh hoạt sau. Nhiều khi vì công việc hoặc vì chuyện gia đình riêng tôi nghỉ sinh hoạt mấy tuần liền, vậy mà có một số em vẫn tự giác ghi sổ Hiếu đều đặn mặc dù không có tôi “chấm” và ghi tiếp cho các em phần sổ Hiếu của tuần sau.

Vì tôi làm theo cách “ghi tay” nên mỗi một nội dung sổ Hiếu như vậy mất hai trang giấy, thường sau khi chấm xong thì tôi ghi tiếp các đề mục đó qua hai trang giấy sau để các em ghi chép tiếp (nếu như có in sẵn thì tôi khỏi ghi rồi J). Tôi cố gắng duy trì sổ Hiếu như vậy và cứ mong Gia đình và Ban hướng dẫn chốt nhanh nhanh mẫu sổ Hiếu để tôi khỏi phải ghi nữa, nhưng việc gì cũng phải mất thời gian và sự kiểm nghiệm nên tôi đành phải chờ. Do đó, tôi lấy giải pháp sổ Hiếu ngày xưa tôi được làm để làm cho các em như một phương án dự phòng, để các em quen với việc ghi sổ Hiếu, nghĩa là trong một cách nào đó, các em cũng quen với với việc tuần đó có ăn chay, niệm Phật, rửa rau giúp bà hay cho bạn mượn gôm, hay cố tình làm một việc gì đó để có việc ghi vào sổ Hiếu. Cho dù là các em cố ý hay tự nguyện làm một việc để ghi vào bảy dòng tôi chừa trong sổ cho các em ghi thì đó đều là những việc thiện lành nhằm tưới tẩm hạt giống bồ đề trong các em để khi các em lớn, một ngày nào đó, tự nhiên các em sẽ nhận ra hạt giống bồ đề mình đã được gieo trồng từ khi là Oanh vũ, nay lớn lên vững chãi với đời và kiên tâm với đạo.

Tôi không nhớ từng câu từng chữ mà phụ huynh các em ghi, chỉ nhớ ý là như vậy, nay xin ghi lại trong bài viết này cho các anh chị em cùng đọc. Mong rằng nó cũng sẽ là liều vitamin cho các anh chị trong quãng đời làm huynh trưởng ngành Đồng.

Nhìn nét chữ là biết, có phụ huynh học hành đàng hoàng, biết lo cho con cái, nét chữ rõ ràng, dễ đọc, ít sai chính tả; nhìn nét chữ xiêu vẹo, sai chính tả vài chữ, có khi sai cả nguyên câu là tôi rất thương, vì phụ huynh đó ít học hoặc vì công việc không được thường xuyên cầm bút nên chữ không được đẹp lắm, mà họ đều viết nên những điều dễ thương vô cùng (đối với tôi). Tôi đọc và quan sát các em oanh vũ chung quanh mình, em nào cũng như em nào trong đồng phục áo lam nhưng cha me, anh chị của các em là những hoàn cảnh rất rất là khác biệt. Tuy nhiên, họ cùng chung nhau ở một điểm là luôn mong muốn con em mình được học hỏi những điều hay lẽ phải, biết nghe lời người lớn, biết ăn chay, v.v., nói chung là trở thành người tốt và điềm tĩnh trong cái xã hội chỉ cần một lời nói vô tình cũng có thể xảy ra một trận ẩu đả, mà từ trận ẩu đả đó có thể gây ra những thiệt hại khác có khi là thiệt hại về nhân mạng…

Bằng cái cách gọi tôi bằng cô, vô tình quyển sổ hiếu còn có thêm một nhiệm vụ nữa là giống như một sổ liên lạc – một sợi dây liên lạc vô hình giữa huynh trưởng và phụ huynh. Có khi tôi đọc được ở phần Sinh hoạt: cháu đi sinh nhật, không đi sinh hoạt được, hay cháu bệnh không đi sinh hoạt được, cả những phần “nhờ vả” như nhờ nhắc nhở, khuyên cháu giùm của một trong những phụ huynh tôi trích dẫn ở trên.

Luận về tên của quyển sổ: sổ Hiếu Thiện. Chữ Hiếu thì ai cũng biết, còn tại sao lại là Hiếu Thiện- sổ Hiếu Thiện chứ không phải là sổ Hiếu Đạo hay Hiếu Nghĩa hay Hiếu Thuận? Chữ “thiện” nó mang nhiều nghĩa- tôi nghĩ nó bao hàm cả “đạo” cả “nghĩa” cả “thuận” trong đó. Một khi mình là làm việc thiện rồi là mình đã giữ được đạo, là mình làm việc nghĩa và như vậy thì là mình mang đến sự thuận hòa. Chữ Thiện- sau này các em sẽ hiểu hành thập Thiện, à thì ra các em đã hành một trong những thập Thiện khi các em thực hành ghi chép vào sổ Hiếu Thiện.

Tưới tẩm hạt giống bồ đề không phải là cầm cái bình nước rồi tưới mỗi ngày. Hạt bồ đề này, hạt bồ đề tâm, làm sao tưới tẩm một cách khéo léo để hạt bồ đề thấm chất hiếu thảo, đậm hương thiện lành mà phát triển thành đạo tâm tươi tốt - thành những người “Phật tử chân chính góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”, sổ HIẾU THIỆN là một trong những bình tưới mà Gia đình Phật từ nào cũng có.

Virginia, mùa Hiếu năm 2016 - PL 2560


 _(())_ Phước Định
(Bài viết cho bản tin Hiếu GĐPT QĐ-SG)