September 16, 2016

TRUNG THU

Tôi nhớ hoài tết trung thu của hơn hai mươi năm về trước. Đó là tối trung thu tôi được rước đèn trong sự yên lặng hầu như tuyện đối và ánh nến lung linh của những chiếc lồng đèn. Chúng tôi là những em thiếu nhi, những chú chim oanh vũ luôn ríu rít, khó mà bảo chúng tôi có thể giữ im lặng trong khoảng mười hay mười lăm phút. Vậy mà, buổi tối đó, sau khi hát vang bài “tết trung thu”, anh chị trưởng dắt chúng tôi đi rước đèn. Hình như chúng tôi đi ba vòng quanh chùa, không biết do sợ vì trời tối hay không, hay chúng tôi mải chăm chú vào chiếc lồng đèn của mình, giữ cho nó đừng tắt mà chúng tôi rất không hề nói chuyện một câu nào. Đi rước đèn trong yên lặng mà sau này tôi mới “vỡ lẽ ra” đó là rước đèn trong chánh niệm. Lúc ấy, tôi chỉ biết là đi rước đèn thôi, không mất tập trung vào những điều gì khác, từng bạn từng bạn cầm lồng đèn đi nối tiếp nhau cẩn thận không làm tắt đèn của bạn và cũng giữ cho đèn mình không bị tắt. Ước gì có một tấm ảnh lưu lại những giờ phút đó nhỉ?! Thời của chúng tôi, máy kỹ thuật số chưa phổ biến, hình ảnh không phải muốn là lấy điện thoại ra chụp ngay như bậy giờ, cho nên nó chỉ còn lại trong ký ức những anh chị em áo lam ngày đó, những ngày Gia đình tái sinh hoạt chuẩn bị chu niên lần thứ nhất. Rước đèn xong thì là phá cỗ, những chiếc bánh trung thu đủ hoa văn, tôi còn nhớ lúc đó tôi phụ cắt bánh dẻo và bánh trung thu để vào dĩa. Tôi không biết do anh chị trưởng nào làm, nhưng tôi không nhớ đã cắt làm đôi bao nhiêu cái bánh dẻo lẫn bánh trung thu để chuẩn bị cho buổi liên hoan. Người thì cắt trái cây, người đập đá pha nước. Tôi không nhớ rõ từng chi tiết, nhưng cái không khí trung thu và cái đoạn rước đèn quanh chánh điện là tôi nhớ nhất. Chúng tôi cũng có chơi trò chơi, đố vui trung thu. Ngày đó, bánh trái đâu có nhiều loại như hiện nay, quanh đi quẩn lại mùa trung thu chỉ có bánh trung thu, bánh dẻo, hình như có trái hồng nữa, chỉ đến mùa trung thu mới có trái hồng. Cả trái hồng bây giờ cũng hiếm thấy hơn hồi đó. Ngày nay, ngoài bánh trung thu còn có các loại kẹo bánh khác trông rất đẹp mắt và khá ngon, có bánh trung thu cho người bị máu cao, bánh trung thu cho người bị tiểu đường, … Tôi hông nhớ nước uống là gì, thập niên chín mươi chắc trà đá là chủ yếu, bây giờ có đủ các loại nước: nước ngọt Coca Cola, Pepsi, xá xị, trà chanh uống liền,.. Việc bàn luận cho các em uống nước gì, ăn gì cũng là một đề tài cho các anh chị em huynh trưởng đoàn là chúng tôi bây giờ mất khá nhiều thời gian để thống nhất. Nhớ ngày xưa, thức ăn đồ uống không đa dạng và phong phú mà “dzui”, đỡ mất nhiều thời gian tranh luận về cái sự ăn uống! Trung thu năm nay ở quê hương thứ hai này, tôi có thể thấy rõ ánh trăng, ánh sáng trăng mà thường xuyên bị những ngọn đèn của đường phố Sài Gòn làm lu mờ mất. Ánh trăng vàng tròn sáng rõ trên bầu trời. Tôi chợt nghĩ sao ngày nhỏ, lúc đi rước đèn quanh chùa, sao không ngước mắt lên nhìn trăng, mà lúc đó tôi có ngước nhìn lên ánh trăng không nhỉ? Tôi cũng không nhớ rõ. Mùa trung thu của Gia đình Phật tử nó không giống với những trung thu mấy năm trước mà lũ trẻ trong xóm tôi hay chơi. Nó cũng có rước đèn, có phá cỗ đêm trăng, chỉ khác chút là có những câu đố vui Phật pháp, những trò chơi Phật pháp, những bài hát trung thu mang đầy tình Lam, nào là “mời anh, mời chị đến với đoàn em, liên hoan trung thu súm (sum) vầy tình Lam…”. Lúc hát, anh trưởng dạy cho chúng tôi hát từ “sum” cao lên một chút nghe thành “súm”, nhưng mà có nghĩa là sum vầy. Anh dạy chúng tôi như thế. Trung thu năm đó, có lẽ là trung thu đầu tiên mà tôi được tham dự với Gia đình Phật tử. Cái không khí ấm cúng và chúng tôi đã vui chơi, ca hát thật nhiều, qua đó cũng biết thật nhiều các bài hát mới lạ về trung thu, ngoài cái bài năm nào cũng hát là “tết trung thu em đốt đèn đi chơi…”. Tôi còn nhớ vài bài nữa mà đoạn cuối là “đón mừng Vu Lan năm nay, đón mừng trung thu năm nay. Ư, quá là vui!”. Vui thật, cho nên sau hơn hai mươi năm vẫn không quên. Cái ‘một chút’ khác đó làm cho trung thu Gia đình Phật tử mang đầy đạo vị, giúp cho các em chơi mà học, học mà tu, tu mà sửa. Chắc hẳn các anh chị em áo lam ai cũng có một kỷ niệm Trung thu Gia đình Phật tử vui như vậy khi mới bắt đầu đi sinh hoạt. Nó mang ý nghĩa gần gũi với cuộc đời chứ không đứng ngoài cuộc đời như là một tôn giáo riêng, nó cho thấy Gia đình Phật tử không chỉ có tu học Phật pháp mà còn đem Phật pháp vào đời qua việc tổ chức liên hoan trung thu. Đó là dịp để các anh chị em cùng ngồi bên nhau, chuyền tay nhau chiếc bánh trung thu, ngắm nhìn những chiếc lồng đèn lung linh ánh nến, trò chuyện, nói cười, xem văn nghệ trung thu; là dịp để huynh trưởng và phụ huynh đoàn sinh có dịp gặp gỡ nhau và để phụ huynh hiểu biết thêm về những hoạt động của Gia đình Phật tử.

Những năm sau này, lồng đèn bằng giấy không còn nhiều nữa, Gia đình Phật tử vẫn tùy duyên tổ chức rước đèn trung thu cho các em, khuyến khích các em dùng lồng đèn có đèn cầy để cho buổi phá cỗ không bị lấn át bởi tiếng lồng đèn điện cứ phát nhạc khi mở đèn lên. Chiếc lồng đèn giấy từ từ còn lại trong cái xóm làm lồng đèn gần nơi tôi ở, trong cái đèn kéo quân mà mỗi đoàn dùng công xảo minh; thanh minh; nhân minh, làm nên dể đại diện cho đoàn của mình trong đêm trung thu. Chiếc lồng đèn giấy cũng còn lại trong miền nhớ nơi anh chị em áo lam đã từng là oanh vũ, cũng như còn trong tôi với cái buổi rước đèn trong chánh niệm…


Phước Định
(Viết xong ngày 14/ 8 AL, DL 2016, viết cho trang www.nguoiaolam.net)

No comments:

Post a Comment