October 02, 2016

NGHE TIẾNG CHUÔNG

Một buổi chiều, như những cư dân của thành phố xứ cờ hoa, tôi dắt bé Kayla- sáu tháng tuổi đi dạo- Kayla là tên của nàng chó giống bec-gie mà em họ tôi nuôi. Để dắt nó đi ra ngoài dạo và đi toilet, tôi phải thay đôi dép trong nhà đang mang bằng đôi giày ba ta, chứ nếu  mang dép kẹp bình thường đi ra ngoài với Kayla là bị nó kéo đi không kịp chạy, mang dép kẹp không chừng chân mình sẽ bị thương, với lại, mang giày thể thao để còn chạy nhanh theo kịp Kayla, nàng chó sáu tháng tuổi này thuộc giống loài thích khám phá, là giống “chó cảnh sát” cho nên, máu cảnh khuyển trong người nàng hoạt động ngay khi ra “hiện trường”, là khoảng vườn sát bên nhà chú tôi và các vườn cây hoa hai bên đường mà tôi sắp sửa dẫn nó đi đây. Cùng đi với tôi là đứa em gái út, nó mới đến đây (đến sống ở Mỹ) hơn hai tuần, em cũng giống tôi, xức kem chống nắng, đội nón, nhưng nó mang giày xăng-đan thôi, mặc dù nó cũng có đem theo đôi giày ba ta. Em là người thích nuôi và thương yêu, cưng chiều chó hơn tôi, nhưng em hông dắt Kayla đi mà nói tôi dắt đi nên tôi dành phải “nhận nhiệm vụ” cao cả này. Tay nắm dây dắt Kayla đi mà tôi phải dùng sức, luôn trong tâm trạng sẵn sàng để kéo nó lại vì nó rất hung hăng, hôm thứ hai, thím đã dẫn tôi và em gái cùng với em họ, cả thím nữa, học lớp huấn luyện chó. Kayla cũng học và nó rất thông minh, học mau nhớ, có điều cô nàng quá năng động cộng với “sức trẻ” mỗi lần thả ra là chạy xồng xộc trong nhà không phải chạy qua chạy lại bình thường như những con chó khác. Đeo sợi dây đeo cổ vô cho nó xong là cả một vấn đề, hai đứa tôi phải vật lộn với nó mới đeo vô được, thầy giáo nói vì nó rất “hăng” nên dây đeo cổ có thêm một đoạn dây nhỏ đeo vòng qua mõm nó để nó ‘calm down’ lại (kìm hãm tính hung hăng của nó lại), đeo được dây vào cổ và mõm nó rồi, phải “vất vả” lắm mới móc được cái dây dài dùng để dắt chó vào cái vòng cổ của nó, lúc đó là nó mới sẵn sàng và mình cũng sẵn sàng để dắt nó ra ngoài. Mở cửa sân sau ra là nó chạy vù vù, đánh hơi khắp mọi nơi, xả nước trong thân ra ở một gốc cây, sau đó là thả phân trong người ra ở một bãi cỏ, em gái tôi đem đồ nghề theo hốt (đồ nghề là một túi nilon và mấy tờ giấy báo), tôi thì lo nắm Kayla trông chừng nó, không cho nó xông vào người ta cũng như nương nương theo hướng chạy của nó để nó được chạy chơi mà mình cũng kiểm soát được nó.

Đi được một đoạn khá xa nhà tôi kêu nó Kayla ơi, đi về, nó nghe lời đi về không đi ngửi ngửi đánh hơi nữa mà băng qua bên kia đường quay đầu đi về. Đi được một đoạn lại nằm xuống, giống như là nằm dạ, đòi cho đi tiếp nữa, nhưng mà tôi bảo nó, thôi đi về Kayla, nó lại đi tiếp, rồi lại nằm dạ, hai ba lần như vậy cho đến khi đi ngang qua cổng sau của căn nhà đối diện xéo nhà chú tôi, thì cả nó và tôi đều nghe tiếng chuông, tiếng chuông ngân vang nghe rất là thanh tịnh trong không gian yên ắng. Kayla ngóng tai lên nhìn về phía sau hàng rào nơi phát ra tiếng chuông. Em tôi cũng nghe nữa, nó kêu lên:”Ê, có tiếng chuông kìa!”, chắc nó cũng ngạc nhiên như tôi, tôi nói: “Ừ, có tiếng chuông á, nghe như tiếng chuông chùa”, vừa nói tôi vừa phóng tầm mắt qua khỏi hàng rào của căn nhà để tìm chút gì đó mang dấu hiệu của tiếng chuông phát ra. Tụi tôi đứng đó nghe thì nghe rõ ràng là tiếng chuông,  thêm ba tiếng chuông liên tiếp nữa rồi ngưng,nghe như lắng lòng, như thiền trong một sát na.

Viết tới đây, tôi nhớ trong khóa tu “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” của thầy Nhất Hạnh ở thiền viện Bát Nhã, trong khóa tu có quy định bất cứ làm gì làm nghe tiếng chuông là ngưng mọi hoạt động, đến khi nào tiếng chuông ngân hết thì tiếp tục việc đang dang dở. Tôi không biết phương pháp tu như vậy để làm gì nhưng cũng làm theo, có lần chưa quen đang, vừa đi vừa kể chuyện cho mấy bạn khóa sinh nghe, tôi cứ mải mê kể, quên mất phải làm gì khi nghe tiếng chuông, mà cũng không để ý là có tiếng chuông nữa, tôi đi trước các bạn khóa sinh hồi nào hông hay đến chừng quay lại thì thấy các bạn ấy đang đứng lại đợi tiếng chuông dứt, các bạn nhìn tôi, cười, tôi cũng nhìn lại các bạn cười- ừ, mình đang tu tập mà.

Giờ ở đây, thành phố Alexandria này, hiếm họi hay họa hoằn lắm tôi mới nghe tiếng chuông thanh thoát như vậy mà không phải ở chùa hay thiền viện. Tôi cứ suy nghĩ tại sao thầy Nhất Hạnh “bắt” nghe tiếng chuông thì dừng lại, sau khi dút tiếng chuông thì “đi” tiếp? Tôi nghĩ, ví dụ hai người đang tranh luận, khi nghe tiếng chuông, biết dừng cuộc tranh luận lại, khi nghe dứt tiếng chuông, tôi nghĩ sẽ không còn cuộc tranh luận nào nữa vì hai “tranh luận viên” đó đã lắng lòng, đã suy nghĩ trong cái phút giây yên lặng đó, họ đã nhận ra lẽ đúng sai. Chúng tôi (tôi, em tôi và bé Kayla) cũng đứng yên một lúc phần là do tìm nơi nào phát ra tiếng chuông còn tôi, từ cái “đứng yên” đó, tự nhiên ngộ ra cái bài học từ cái “quy định” của thiền môn thưở ấy, hình như là vào năm 2008’, đến 2016’, mới hiểu ra vấn đề…

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”
Virginia những ngày hè năm 2016’


_(())_ Phước Định

**Bài viết cho trang www.nguoiaolam.net, viết xong ngày 31/ 07/ 2016**