October 24, 2006

Tản mạn chu niên

Một mùa chu niên nữa lại đến, lại "kêu gọi" các em viết báo. Và hôm nay ngồi đây, làm công việc đã "kêu gọi" các em làm.


Quyển đặc san chu niên không dày lắm, vậy mà để có được nó, mình đã phải "phát động" từ cách đây hơn hai tháng, thời gian đủ để các em "cảm xúc thăng hoa", thế nhưng đến giờ này rồi- còn hơn ba tuần nữa thôi mà chỉ mới cầm trong tay vài bài của các em.


Các em có lý do rất chính đáng là bận học, "học cả ngày mệt lắm, chị ơi!". Từ sáng đến tối và chẳng làm việc nhà gì cho gia đình được vì bận học. Mình không đồng ý, mình không tin, mình cho rằng các em đổ lỗi. Nhưng hỏi ra mới biết, thì ra các em mất thời gian học nhiều hơn mình ngày xưa nữa, cũng với khối lượng kiến thức như thế và nghe đâu Bộ Giáo dục còn "giảm tải"...


Thấy tội các em quá! Những "tờ giấy trắng" của tôi đã được "viết" đầy bởi những lớp ngoại khóa, bồi dưỡng, năng khiếu, học thêm, ... không còn chỗ cho những trò chơi ngày xưa như tôi hồi bé. Còn đâu trò chơi keng, chơi cò chẹp, chơi lò cò, chơi năm mười, chơi một hai ba, chơi nhảy dây, chơi ung, ... cả chơi tạt lon, chơi bắn bi mà tôi cũng tham gia cùng với tụi con trai trong xóm


Nhớ ngày xưa, tôi không dám đi ra ngoài chơi, ngồi trên lầu, nhìn qua cửa sổ, thấy "tụi nó" chơi vui quá! Nhưng vẫn không chịu nhấc chân ra chơi với "tụi nó", phần vì còn hơi nhát, phần vì sợ ham chơi mất danh hiệu học sinh giỏi. Rồi một ngày nọ, tôi đánh liều ra chơi với "tụi nó", với ý nghĩ là ra chơi chút xíu rồi vô. Chiều đó, tôi ra chơi đến tối mới về, may mà Má không la. "Dụng cụ" chơi chỉ là những chiếc dép, những cọng thun đủ màu sắc, miếng "chàm" là cục gạch đỏ đập ra, ... Chúng thô sơ, bình thường mà vui phải biết. Đứa này "bị", đứa kia cứu, trầy tay, trầy chân (bị hù là lớn lên mặc đầm không đẹp) mà vẫn cứ chơi...


Rồi dến một tuổi nào đó, chúng tôi không còn ra chơi nữa- lũ trẻ trong xóm đã lớn, không còn cùng ra xếp thuyền thả theo dòng nước mỗi khi mưa xuống, bởi dòng đời đã cuốn chúng đi theo nhiều hướng...


Còn tụi nhỏ bây giờ, trò giải trí phổ biến nhất của tụi nó là game, là chat, là Võ Lâm Truyền Kỳ với Audition gì đó mà thế hệ 8X đầu tiên của tụi tôi chẳng thể nào biết được ở thời của chúng.


Những trò chơi tôi kể khi nãy, có lẽ là những từ rất ít dùng và rất "lạ" trong vốn từ của "mấy đứa em tôi". Những trò chơi giờ chỉ nằm trong miền ký ức của ngày xưa. "Ngày xưa hớt tóc miểng vùa. Ngày xưa mẹ bắt đeo bùa cầu ông...". "Ngày xưa" của chúng tôi không phải "hớt tóc miểng vùa", "ngày xưa" của chúng tôi có "cánh diều chao nghiêng" và những trò chơi "dân dã". Còn "ngày xưa" của các em, tôi chưa nghĩ tới (hay chưa muốn nghĩ tới chăng?!).


Thêm một lần tổ chức lễ chu niên, thêm một lần bắt tay vào soạn thảo chương trình lễ, mùa chu niên nào cũng xôn xao kỷ niệm, tâm trạng bồi hồi gửi đến các em đôi dòng cảm xúc. Thêm tuổi đạo nữa, các em hãy tinh tấn tu học, sử dụng những điều học được từ chiếc computer vô cảm phục vụ cho việc tu học của mình. Và xin các em nhớ cho là "đĩa mềm" nhưng đừng "quên mất lòng mềm trước nhau"...


Chu niên 2006,

-Diệu Hoàng

October 11, 2006

MÁ ƠI!



"Kính dâng hương hồn Má.


Kính tặng những bà mẹ suốt đời gầy dựng cho con.


Thân tặng những ai có mẹ và biết trân trọng mẹ".


Và em post bài này lên để chị Hai đọc được. Mặc dù, lúc đưa bài này cho em, ché (*) Hiếu có note "Đừng gửi cái này cho bà Hiền, kẻo nước ngập Virginia...". Tuy nhiên, bài này hay đấy chứ, em muốn share cho mọi người cùng đọc và trong đó có Hai. Hai đừng làm thốg đốc bang Virginia "khốn đốn" vì "lũ lụt" nha Hai...


Bút ký của Trần Ngọc Hải


I.


"Tám ơi! Sáng rồi, dậy đi con..."


Cứ mỗi sáng, con lại được đánh thức bằng tiếng gọi thân quen của Má. Và cứ mỗi sáng, con đáp lại Má bằng tiếng rên ư ử, vặn vẹo thân mình mấy cái thay cho câu trả lời:" Con nghe rồi, con dậy đây!" rồi ngủ tiếp. Đã bốn mươi tuổi đời, có vợ rồi có con. Nhưng nếu không có tiếng gọi của Má vào buổi sáng thì con khó mà tỉnh giấc. Những hôm "vô tình" dậy sớm, con lặng lẽ nằm im rồi khắc khoải đợi chờ tiếng Má, rồi dỗi hờn:" Sao lâu quá không kêu người ta dậy, sáng rồi!". Con đợi chờ tiếng Má như đã từng chờ đợi tiếng chân của Má ngoài đầu ngõ, vào mỗi trưa của thuở ấu thơ. Ngày ấy, mỗi khi đi chợ về, Má đều mua cho con một bánh tàn ong (Má tiện tặn lắm, nên chỉ mua một cái thôi). Có thể do khẩu vị tuổi thơ, mà cũng có thể vì quá ít, nên chiếc bánh ngày xưa ngon ơi là ngon, ngon không thể tả.


Bây giờ con lớn rồi, Má không còn mua bánh cho con nữa. Nhưng Má còn "nhiệm vụ" đánh thức con vào mỗi sáng. Chiếc đồng hồ chạy lâu quá rồi cũng có lúc khô dầu.  Tuổi đời chất chồng nặng oằn lưng Má, mấy năm gần đây Má cứ hay quên gọi con vào mỗi sáng. Con thức giấc, con đợi chờ... rồi con chợt hiểu: Má đã già...


II.


"Tám ơi! Sáng rồi, dậy đi con..."


Con giật mình, nhưng không thức giấc vì con... chưa ngủ. Bây giờ là ban đêm nên trời chưa sáng. Má cũng không cần gọi con dậy vì ... nơi đây là bệnh viện. Hơn một tuần qua, chúng con cứ giành giật Má với tử thần. Má bị tai biến do cao huyết áp. Má vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Sau hai ngày đêm ở phòng cấp cứu, bệnh viện đã gợi ý cho chúng con:" Gia đình đã chuẩn bị hậu sự cho bà chưa? Tình trạng của bà nặng lắm, khó lòng qua khỏi". Không! Không! Má không thể nào chết được! Chúng con cần Má, chúng con chưa báo đáp được gì cho Má.


Chúng con phớt lờ trước những lời gợi ý. Chúng con tin tưởng là Má sẽ tỉnh lại. Chúng con trông chờ phép lạ. Và... phép lạ có thật! Má đã tỉnh lại sau gần một tuần lễ hôn mê. Sung sướng quá! Làm sao diễn tả hết nổi lòng của chúng con, chúng con quan sát Má, lòng cứ rộn lên mỗi khi tay Má động đậy, mắt Má chớp. Khi trở mình cho Má, Má rên lên vì đau, vậy mà chúng con lại hân hoan sung sướng. Má biết đau! Má sống lại rồi!... Chưa tỉnh hẳn, vậy mà Má vẫn gọi con:" Tám ơi! Sáng rồi, dậy đi con..." trong cơn mê sảng.


Được chuyển xuống khoa nội, Má nhắc chúng con:" nhớ hái xoài cho con bé Hạnh nó ăn, nó thích ăn xoài sống lắm!". Bé Hạnh- cháu nội của Má quả thật rất hảo món này. Má rất thích xem nó ăn xoài. cái miệng xinh xắn của nó cứ luôn nhóc nhách, đôi chân mày nhíu nhíu, thỉnh thoảng chép chép rồi rít lên một tiếng ra chiều khoan khoái... Có lẽ Má muốn tìm lại ở đứa cháu nội bé bỏng cái vị giác của một thời tuổi trẻ!


Má hỏi:" Chừng nào sinh nhật bé Hạnh?"- Má bệnh, chắc tụi con không làm." Phải làm sinh nhật cho cháu tao mới được, nhớ mua cho nó cái bánh sinh nhật nữa..."


Sinh nhật bé Hạnh tròn bốn tuổi, có bánh sinh nhật nhưng không có Bà Nội. Chúng con đưa bé vào bệnh viện thăm Nội. Nội ôm chầm lấy cháu, hôn lấy, hôn để. Nội hôn như để bù lại những ngày bị hôn mê và phải chăng... Nội linh cảm sẽ không còn dịp ôm hôn đứa cháu bé bỏng?


III.


"Tám ơi! Sáng rồi, dậy đi con...


Tám ơi! Sáng rồi, dậy đi con..."


Má ơi! Sao Má không kêu con dậy. Sao Má cứ ngủ hoài vậy, con khao khát được nghe tiếng Má lắm mà, Má ơi! Má động đậy ngón tay đi, Má chớp chớp mắt đi... Má rên lên nhẹ nhẹ đi... Con cần biết là Má còn sống mà, Má ơi!...


Má nhập viện lần thứ hai trong tình trạng hôn mê, lần này thì chúng con tuyệt vọng! Người ta thay chai nước biển bình thường bằng một dung dịch sánh đặc màu trắng sữa. Sang ngày thứ hai, cơ thể Má bắt đầu co giật. Khởi đầu là những máy giật nhẹ ở tay, rồi ở chân, ở đầu ... sau cùng thì toàn thân Má đều co giật. Chúng con đè nén nỗi đau, rồi trông chờ phép lạ. Phép lạ không đến! Có chăng là những cơn co giật của Má, mỗi lúc mỗi mạnh hơn, kéo dài hơn. Người ta tiêm thuốc cho Má, hết thuốc, Má lại giật tiếp. từng cơn co giật đau xé lòng con. Má ơi! Má đau lắm phải không? Tuy Má hôn mê, không nhận biết chúng con bên cạnh, nhưng con nghĩ Má vẫn còn cảm giác, Má biết đau mà... Con muốn lắm, nhưng không làm sao thay Má nhận lấy những cơn đau này được, Má ơi!...


Con cầm lấy tay Má, đôi bàn tay nồng ấm tình thương, ngày nào từng ve vuốt, nâng niu, bồng bế lần lượt bảy đứa con. Ngày xưa, mỗi lần về thăm ngoại, con ngồi gọn trong lòng Má, không ưu tư, không lo lắng, bởi có đôi bàn tay của Má chở che. Lớn lên một chút, đơi chân "nhổ giò", tấm thân nặng trịch, con vẫn còn ngồi trong lòng Má. má bảo:" Ngồi vậy cho đỡ tiền xe". Má ơi, Má tằn tiện từng đồng để nuôi lớn chúng con, vậy mà...


Những ngày sau tiếp quản, kinh tế khó khăn, Má làm chuối hồng để nuôi chúng con ăn học. Những trái chuối xiêm chín mọng được tước đi vỏ lụa rồi mang phơi nắng. Sau ba ngày phơi, chuối khô dần, được bập dẹp rồi đưa vào lò sấy. Hai mươi năm trước, những ai từng ở Sài Gòn hay miền Trung, đã từng ăn thử món chuối Hồng của xứ Bến Tre chưa? Những trái chuối khô thơm mật, vửa dẻo, vừa thơm, không sánh bằng hồng khô Trung Quốc, nhưng đậm đà hương vị quê tôi.


Để có được những trái chuối hồng thơm ngọt, Má phải chịu bao nỗi đắng cay. Những hôm trời mưa, không có con ở nhà, một mình Má phải vật lộn với những vỉ chuối phơi nặng trĩu... Có những đêm con ngủ vùi, một mình Má thui thủi trở chuối trong lò sấy. Khói trong lò lấy đi bao giọt mồ hôi và ngay cả nước mắt của Má. Ngón tay Má khô nứt, hông Má cũng chai lỳ. Những ngày gian khổ ấy đã khắc vào cơ thể Má cái dáng đi đổ lệch về một bên. Sức mạnh của tình thương mà Má dành cho chúng con đã kéo oằn cột sống Má thành tật mất rồi!...


Má co giật, lại từng cơn co giật, dòng nước đỏ hồng chảy dài bên khoé miệng, theo từng cơn co giật của Má. Con réo gọi người ta hút đàm cho Má, vừa xong, những dòng nước khác lại tiếp tục tuôn chảy. Con xé giấy vệ sinh lót cho nước dơ không làm bẩn áo Má. Cuộn giấy thứ hai đã vơi đi một nửa, sao những cơn co giật của Má không vơi bớt cho con đỡ đau lòng. Vầng trán Má nhăn lại dưới những cơn đau, những sợi tóc lơ thơ nhuốm màu thời gian trắng xóa. đôi mắt trũng sâu của Má vẫn mở to, nhưng vô hình vô cảm. Phải chăng Má đang dõi mắt ngóng trông những đứa con, đứa cháu... sau bao năm tha hương chưa một lần về thăm Má...


Nhớ ngày xưa, thuở còn học xa nhà. Mỗi lần về thăm Má, vừa về đến phà Rạch Miễu là lòng con hân hoan phơi phới: con sắp gặp lại Má! Được tận hưởng cái không khí gia đình bên Má. Được ăn canh chua với tép rang muối của Má. Những con tép rang bám đầy muối ngày nào, sao vị mặn vẫn còn mãi trong con. Má tiện tặn như vậy đó, rang tép thật mặn để đỡ hao. vậy mà... Đêm trước khi con trở lại Cần Thơ, Má đã chuẩn bị đầy đủ cho con: tiền chi tiêu, kẹo dừa, chuối hồng, ngay cả dầu gió nữa (Má mua dầu bạc hà của nhà vườn chưng cất, rồi chiết lẻ vào chai cho con. Dầu nguyên chất mà, tốt lắm!). Khuya, Má đánh thức con dậy... rồi tiễn con ra tận cửa. Trên tay Má là chiếc đèn bong bóng lờ mờ, ánh đèn khắc sâu thêm đôi mắt Má. Trong đôi mắt ấy, con đọc được một tình thương vô bờ bến của lòng Mẹ thương con. Vậy mà..." Tám ơi! Dậy! Má sắp đi rồi...". Má gọi? Không! Đó là tiếng của anh Năm gọi con. Con chạy vào bên Má."Gỡ ống oxy đi!", tiếng ra lệnh của bác sĩ sao lạnh lùng vô cảm. Má nằm đó... im lìm, không còn co giật nữa, không còn đau đớn nữa. Má ơi! Chúng con mất Má thật rồi, Má ơi!


IV.


"Hạnh ơi! Sáng rồi, dậy đi con..."


Tiếng vợ con gọi bé Hạnh, con lại ngỡ tiếng Má ngày nào. Con bé rên ư ử, vặn vẹo thân mình mấy cái rồi... ngủ tiếp. Con bồng nó lên thân mình nó dịu oặt, đôi mắt nó nhắm tít, và ngủ, như tuổi thơ của ba nó đã từng...


Hôm nay, trời chuyển mùa, cái không khí lạnh khiến bé Hạnh không vờ vịt nữa, nó dậy ngay sao tiếng gọi đầu tiên. Con tôi chạy đến bên cửa, nó vén màn nhìn ra rồi nói lẩy:" Trời chưa sáng, có miếng nắng nào đâu mà ba mẹ gọi con dậy!". Con ơi, sắp đến mùa mưa, trời u ám nên không có nắng. Con còn bé quá, chưa biết quy luật của nắng mưa. Mùa nắng, những cây già cằn cỗi sẽ khô héo chết đi. Mùa mưa, những mầm non sẽ đâm chồi, nảy lộc. Đó là quy luật của muôn đời, cũng như giọt mưa kia, nó chỉ rơi từ trên cao xuống thôi con ạ, con có hiểu không? À! Con còn bé qua, con chưa hiểu đâu. Nhưng rồi đến một ngày nào đó, con cũng sẽ hiểu. Và ngày đó, con cũng giống như ba: ân hận và nuối tiếc...


Sài Gòn một chiều mưa

17/ 05/ 2000

(*) Ché (tiếng Hoa) = chị


 

 

 

 

October 05, 2006

Người về bỗng nhớ

... Tối qua ngồi nghe chuyện tình của một người bạn. Bạn của bạn trở về làm bạn xao xuyến, bâng khuâng. Mười ngày qua là mười ngày không ngủ được và bạn bảo rằng còn những đến năm mươi ngày nữa. Nghe chuyện của bạn mình không biết phải làm gì để an ủi bạn. Tụi mình đã qua rồi cái thời nông nổi, trẻ con và đây là tình cảm thật sự của bạn, nhưng mình nên nói làm sao vì rõ ràng mình cũng thấy khuyên bạn tiếp tục giữ liên lạc thì rồi hai bạn sẽ có kết thúc như thế nào? Có "hậu" không mình cũng không biết được thì làm sao dám khuyên bạn nên tiếp tục?! Mình chỉ biết lắng nghe, nghe thật chân tình và cảm nhận tình cảm của bạn thật là... hai người vẫn còn thương nhau lắm. Bạn đã ngồi thật lâu bên mình để kể cho mình nghe một câu chuyện dễ thương với nhiều kỷ niệm đẹp. Cả những tin nhắn chẳng thể nào xoá được trong hand phone của bạn.  "Tình ngỡ đã quên đi, nhưng tình bỗng lại về, người ngỡ đã xa xôi, bỗng về với quanh đây..."

October 03, 2006

MỘT NGÀY DỊU DÀNG

Một ngày dịu dàng,


Em dến bên anh.


Một ngày dịu dàng,


Em rời xa anh.


Một ngày dịu dàng,


Anh đi tìm mãi.


Một ngày dịu dàng,


Ngày đó,


          Có em...


-Diệu Hoàng