November 26, 2015

Hoi Ton pagoda, Ben Tre city, Mekong delta, Viet Nam.


Hội Tôn là một ngôi chùa cổ của thành phố Bến Tre, qua khỏi cầu Bến Tre đến ngã tư đầu tiên là đường vô chùa, còn phải đi ngang qua khu công nghiệp Giao Long rồi quẹo tay trái vào, ngang qua công trường đầy cát bụi, bây giờ chắc đỡ bụi rồi vì tới nay cũng đã hơn hai năm kể từ ngày Gia đình Phật tử đến tham quan chùa nhân trại từ thiện ngành Nữ Quảng Đức, vào đến con đường đất (không biết bây giờ đã tráng nhựa chưa?) thì một không khí trong lành khác hẳn với cái bụi mù trời ở ngoài kia, một bên là nhà dân, một bên là cây xanh, đồng ruộng, cũng có nhà nhưng nhà bên tay phải thì nhiều hơn nhà bên tay trái, hình như người ta đang quy hoạch gì đó. Tôi đọc nhiều bài viết về chùa, thấy thường viết về lịch sử, niên đại chùa được xây dựng từ hồi năm nào, trùng tu năm nào (nếu có), rồi chùa được công nhận di tích vào năm nào, … Tôi không muốn viết ra đây dài dòng chi tiết, không khéo nó trở thành một bài “lịch sử chùa Hội Tôn” mất. Tui muốn viết về chùa theo sự quan sát của mình và cảm nghĩ của các chị em Người Áo Lam (vì là trại của ngành Nữ mà). Tôi cũng không muốn viết về trại từ thiện này, chỉ xin đề cập đến vì đó là nhân duyên cho tôi có cơi hội đi bộ (đoạn từ đầu đường khu công nghiệp đến chùa), một đoan đường đất tương đối dễ đi và không xa lắm cho chị em vừa đi, vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, có cả quay phim nữa. Nhờ vậy mà cảm nhận được không khí làng quê, đường mòn với cây xanh bóng mát, hàng dừa nghiêng nghiêng, một số chị lớn tuổi đi bộ bị mệt, mấy bạn Thiếu Nữ xúm lại dìu đi và các bạn khác thì đi chậm lại để đợi và cũng là tranh thủ chụp hình, đoạn đường nắng nóng mà hông ai thấy nóng. Cổng vào chùa là cổng tam quan bên tay phải, đi vào chừng ba mét thì có một cái cổng nữa, bước qua cổng đó thì bạn mới thật sự tới chùa. Cũng như cách bố trí của nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam, vừa qua cánh cổng tròn nhỏ hơn cổng tam quan, chúng ta sẽ thấy ngay tượng Quan Âm thờ ở sân chùa mà người ta hay gọi là Quan Âm Lộ Thiên, ngài đứng đó, chiếc áo choàng bay phấp phới, nụ cười hiền hòa nhìn chúng sanh là chị em Người Áo Lam đây, khi nghe các chị em hình như không để ý đến ngài mà cứ đi “săm soi” cái chánh điện của chùa. Chánh  điện được xây nổi trên một tòa sen có thể nói là khổng lồ. Nghe má tôi kể lại là chùa được xây dựng theo như trong giấc mơ của thầy trụ trì, lúc đang xây chùa, thầy nằm mơ thấy chùa như vậy nên quyết định “biến giấc mơ thành hiện thực”. Bao quanh chánh điện là dòng nước trong xanh, để ngày rằm hay lễ tết, thầy tổ chức thả hoa đăng, thay vì bậc thềm bình thường của một hồ nước thì thầy xây nhưng các cánh sen xen kẽ nhau, chánh điện chùa là tâm sen, nhìn xa thì chùa như đang nổi lên từ một hồ sen lớn, còn nhìn từ trên xuống, tôi nghĩ chánh điện chùa như một đóa sen nghìn cánh, tối thầy cho thắp đèn sáng lung linh rất đẹp. Bên trong chánh điện, trên trần là hình ảnh của các vị Phật, bồ Tát, La hán, có bát tiên, có mây bay, như là cảnh nơi Phật quốc. Đó cũng là cảnh mà thầy đã thấy trong giấc mơ, có vị thầy thấy thầy xây chùa như vậy nên “báo mộng” cho thầy xây chùa theo kiểu như vậy, và với kiến thức của một người biết về xây dựng, thầy đã hiện thực hóa cảnh mà thầy thấy trong giấc mơ mà vị thầy trong mơ bảo thầy xây, làm chị em chúng tôi đến như lạc vào cõi Phật vì nó không như cách bài trí chánh điện của những ngôi chùa khác. Quả là không bõ công ngồi xe hơn tám mươi cây số và là một “quyết định sáng suốt” khi xong việc từ thiện ở chùa Phật Minh rồi nhất định qua thăm viếng chùa Hội Tôn này. Tôi không biết vì sao chùa tên Hội Tôn, tự dựng đi về, cảm khái làm mấy câu thơ, viết ra đây cho các bạn “đọc chơi”:

(Từ)... Hội bàn đào, ta trở lại,

Tôn Ngộ Không nay đã khác xưa rồi

Tự thiền môn đắc Đấu Chiến Thắng Phật...

Thiền môn của thầy thật đẹp, thật yên tĩnh, kế bên chánh điện hoa sen (tui mạn phép gọi cái chánh điện vừa kể trên là chánh điện hoa sen), thầy đang xây một cái hồ hình vuông, chính giữa là bệ thờ tam thế Phật, đường qua bái Phật là những lá sen và cánh sen bằng xi-măng- có lối vào Bát Chánh- là những con đường nhỏ mang tên Chánh Định, Chánh Kiến, Chánh Tư Tuy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Niệm, Chánh Ngữ, thầy ghi trên bảng tên đường, chữ trắng, nền xanh, làm người Áo Lam đọc thấy như là đi trên miền tịnh độ. Phật pháp thể hiện một cách sáng tạo và có lẽ là đầy ngụ ý, vì đường nào cũng về Bát Chánh về nơi tam thế Phật quang.

Tôi không nhớ chùa có thờ Đấu Chiến Thắng Phật không, nhưng mà cái tên chùa gợi lên nhiều liên tưởng. Hôm đi tiền trạm trời mưa tầm tã, cứ sợ đến ngày đi từ thiện mà mưa thì không biết chỗ đâu mà chơi với các em ở chùa Phật Minh và thăm chùa Hội Tôn. May sao, trời nắng tốt, mấy chị em chụp hình cũng nhiều lắm, có quay phim về phát hành đĩa lưu niệm nữa. Nhớ nhất cái đoạn thầy trụ trì chùa Hội Tôn bảo rằng Gia đình Phật tử tụi con có cái vinh hạnh là mang tên của một vị bồ tát (gia đình mà chị em người áo Lam tui tôi đang sinh hoạt gọi chung là Gia đình Phật tử Quảng Đức)… Cái điều này nghe thầy nói tôi mới nhận ra và thấy thật là hân hạnh, khi chúng tôi được thầy khuyên dạy Phật pháp, khai mở cho nhiều điều về hoạt động của gia đình Phật tử.

Chùa Hội Tôn ở Bến Tre, ngôi chùa nằm trên cánh hoa sen giữa lòng thành phố xứ dừa. Một nơi rất đáng để chiêm bái và tự hào về kiến trúc đình chùa Việt Nam. Địa chỉ ư? Bạn cứ Google sẽ có ngay địa chỉ cụ thể, tôi không tiện nêu ra đây vì tôi đã nói rồi. Tôi viết về ngôi chùa này vì ai đến cũng trầm trồ ấn tượng về cảnh quan của chùa và cũng để cho bạn có chút tò mò, nếu có lòng thành và thật sự quan tâm thì phải bỏ thời gian tìm hiểu thêm.

Phần thưởng sẽ là một chốn thanh tịnh, khung cảnh vừa hiện đại, vừa cổ xưa, vừa “thần tiên” nữa chứ, cứ như là:

HỘI bàn đào, ta trở lại,

TÔN Ngộ Không nay đã khác xưa rồi

TỰ thiền môn đắc Đấu Chiến Thắng Phật.
-Diệu Hoàng- từ Virginia

*Nếu bạn vẫn chưa tìm được địa chỉ thì xin liên hệ Người Áo Lam, bạn nhé! Chúc bạn chuyến hành hương vui vẻ!


May 25, 2015

BÀI GIẢNG VỀ BẾP LỬA

Hôm qua, anh Quảng Lợi cho các em chơi trò chơi, đầu tiên là nói các vật dụng trong nhà bếp cho người bên phải mình, sau khi hết một vòng, sẽ hỏi ngược trở lại người bên trái mình và câu trả lời của người bân trái sẽ là món đồ trong nhà bếp đó. Trò chơi nhằm có những câu hỏi và câu trả lời dí dỏm tạo tiếng cười hóm hỉnh, ví dụ như: bạn đang ngồi trên cái gì? – Trên bếp điện từ. Bạn chải đầu bằng gì? – Bằng cái muỗng,… Nhưng sau đó, các câu trả lời hầu hết đều là bếp ga, bếp ga, mặc cho câu hỏi là gì đi nữa câu trả lời như một mẫu số chung: Bếp ga, không nói về việc các em chưa biết đặt câu hỏi cho đúng mục đích gây cười, nhưng nói về vật dụng nhà bếp, chao ôi, sao mà “nghèo nàn” quá, chỉ là bếp ga, lò vi sóng, chén, đũa,… Vậy ra bếp của các gia đình ngày nay là thế, các em đâu có biết thế nào là tro, là củi lửa, là bếp than hồng, là khói cay mắt bà và mẹ khi đun bếp, cái thời của “khói lam chiều” hình như đã qua rồi, hay chỉ còn trong sách vở hoặc là trong tâm tưởng thế hệ 8X chúng tôi, nó làm cho các em không có nhiều vốn từ về nhà bếp. Vì nhà bếp hiện đại sang trọng bây giờ là thế, chưa nói đến sang trọng, chỉ là bếp ga đã quá phổ biến, bây giờ ai xài lò (bếp) dầu nữa, ít nhất cũng là bếp ga, khá hơn nữa là bếp từ, bếp điện, cũng phải thôi vì nghiên cứu cho thấy khói bếp có thể làm gây ung thư, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nghĩ mà thương các em, sự hiện đại làm các em không biết và những danh từ thuộc về nhà bếp hình như không tồn tại trong đầu các em, viết tới đây nhớ cái ống tròn tròn dài dài dùng để thổi lửa, cho tro than trong bếp cháy bùng lên, hồi nhỏ, có một vài lần được quan sát người ta đun bếp như thế, chứ thời của chúng tôi cũng đã “sung sướng” không phải lui cui dưới bếp như thế hệ mẹ và chị ngày xưa, nhưng những gì của một bếp quê nghèo, chắc phải gọi là bếp quê nghèo thôi, vì nó không có lò vi sóng, máy rửa chén hay thiết bị hiện đại nào hết, trộm nghĩ, chẳng lẽ “dàn dựng” một “cái bếp ngày xưa” và hướng dẫn, nói cho các em nghe về “cái bếp”, “bếp lửa hồng ấm áp, thắp sáng từ tay mẹ hiền…” chứ không phải lửa xanh, lửa đỏ bật lên từ khí gas trong cái ống dẫn gas vô tri, vô giác. Cái chái bếp mà nhiều thế hệ đã lớn lên từ đó, đi xa mấy cũng nhớ về, có mùi rơm rạ, củi lửa, dừa khô, cỏ khô, bất cứ thứ gì có thể nhóm bếp để dành cho mẹ, cho chị làm bếp, thổi lửa, nấu cơm, còn có cây quạt bếp, một cây đũa bếp (đũa cả), thầm nghĩ có nên chăng đưa vào chương trình “thường thức” một bài giảng về “cái bếp” để các em thấy được thế hệ đi trước đã “sống” như thế nào, đã trải qua khó khăn như nào để giờ đây đứng trước các em truyền trao Phật pháp, hướng dẫn Chuyên môn. Âu cũng là một cách tăng vốn từ cho các em, mở rộng sự hiểu biết mà chưa chắc những đứa trẻ đến trường được học, chỉ những em đi sinh hoạt Gia đình Phật tử được học thôi! Xa hơn nữa là giữ gìn giềng mối dân tộc, cái truyền thống làng quê Việt Nam với hình ảnh khói bếp bay bay, khói lam chiều ngày xưa của me, của anh và của chị, xuất hiện không ít trong những hình ảnh quảng cáo du lịch Việt Nam.

Đạo Phật gắn liền với dân tộc, với quê hương, đất nước, trong đó có không thể thiếu cái bếp than hồng. ‘Ký ức về cái bếp than hồng’ nghe nó ‘xuôi tai’ hơn là, ‘ký ức về các bếp điện từ’! Nói vui thôi chứ làm sao bằng cái ánh lửa nhóm lên từ tình thương của mẹ, của cha, hay của sư chú, của thầy nấu cho tụi con trong trại Anoma Niliên-Tuyết Sơn vừa rồi ở Trà Vinh- “chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau”- câu chuyện Pháp đàm trong khi làm bếp rôm rả và sôi nổi. Cái bếp than, tạm gọi là bếp than vậy, chắc bây giờ chỉ còn tồn tại ở một số chùa, hoặc vài căn hộ như nhà tôi, vẫn còn giữ lại cái bếp lò, chụm củi, uống nước dừa xong, chặt vỏ ra, phơi khô để dành nhóm lửa, như giữ một phần hồn quê giữa lòng phố thị.

Và niềm băn khoăn có nên đưa bài giảng ‘cái bếp’ vào chương trình thường thức, vẫn là một ý nghĩ chợt lóe lên khi “bức xúc” về cái bếp… Cám ơn trò chơi của anh Quảng Lợi, cám ơn các em đã tham gia trò chơi, mong qua những dòng này, các em hiểu thêm về “cái bếp”, sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn khi có dịp ngân nga hát bài “Bếp lửa hồng của mẹ”.

Viết xong ngày 25 tháng 05 năm 2015 (mồng 8 tháng tư PL 2559) tại Sài Gòn


Phước Định

May 05, 2015

DIỄN VĂN KHAI MẠC TRẠI VƯỢT BẬC GĐPT THIỆN HOA 2 2014 - 2015

Trại vượt bậc mỗi năm là đánh dấu sự lớn mạnh của một gia đình, đánh dấu một năm học tập của đòan sinh, đánh dấu sự tiến bộ của các em trên bước đường tu học và hoàn thiện bản thân, để trở thành những đoàn sinh gương mẫu trong Gia đình Phật tử, những đưa con ngoan trong gia đình, người công dân tốt của xã hội.

Các em thân yêu, năm nay trại vượt bậc của chúng ta tổ chức không như mọi năm là chúng ta có một cuộc trại xa trú quán. Năm nay, chúng ta sẽ tổ chức trại vượt bậc trong khung cảnh đầm ấm tại Hưng Quốc tự, cũng là trú quán của Thiện Hoa 2 chúng ta.

Thưa các anh chị huynh trưởng cùng đoàn sinh thân yêu của Thiện Hoa 2, trại vượt bậc của Thiện Hoa 2 dù tổ chức xa hay gần thì chúng ta cũng phải chu toàn cho ngày trại.

Nguyện cầu hồng ân chư Phật gia hộ ban huynh trưởng và đoàn sinh tinh tấn trong học tập và vui vẻ trong sinh hoạt.

Chúc trại vượt bậc Tất Đạt Đa lần thứ 21 được thành công viên mãn.

Thay mặt ban huynh trưởng Thiện Hoa 2, tôi xin tuyên bố khai mạc trại vượt bậc lần thứ 21 của Gia đình Phật tử Thiện Hoa 2.

Nam mô thường tinh tấn bồ tát Ma ha tát.

TM BHT GĐPT Thiện Hoa 2,
                                                                                                                          Gia trưởng (đã ký)


                                                                                                                  Diệu Hoa – Nguyễn Kim Liên

TẢN MẠN THÁNG TƯ (tặng ché Lành)

Ngày mười tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, những ngày cuối cùng của cuôc chiến tranh Việt – Mỹ, còn hai mươi ngày nữa là giải phóng miền Nam, là Việt Nam hoàn toàn độc lập, giữa những ngày Sài Gòn“ hoang mang lo sợ” không biết sẽ về tay ai, giữa những bất an của cuộc chiến, giữa những tín hiệu tháo chạy đầu hàng, thì một chút bình an ở phía Tây thành phố, một bé gái chào đời ở nhà sanh Thanh Phú, như một định mệnh chăng?! Ngày dân Sài Gòn đổ xô đón chào quân giải phóng, bé gái ấy được hai mươi ngày tuổi, cực khổ lo toan, Sài Gòn mới giải phóng thiếu ăn, trẻ suy dinh dưỡng, Má lo hoài đặt tên là Lành cho chị mau hết bệnh… Bốn mươi năm sau, ‘bé gái’ ấy 'xách' va li đi Mỹ, như là được sinh ra một lần nữa, trên đất Mỹ, bắt đầu một cuộc sống mới…

… Con cám ơn trời đất cho chị con đi Mỹ, mừng không nói nổi thành lời…

Bây giờ cũng ngày muời tháng tư, mà là của năm hai ngàn không trăm mười lăm, chị tranh thủ tạm biệt Sài Gòn, chào nắng mới ở Virginia càng sớm càng tốt nghen, Má Lành!...


(Viết những dòng này xong, đọc lại không muốn sửa nữa…)

January 13, 2015

MAI TÔI ĐI

(Bài thơ mới nhận được từ mail của một người bạn gửi ngày 12/ 01/ 2015)



Mai tôi đi... Chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,
Chuyện bé nhỏ giữa giòng đời động loạn...

Trên giường bệnh, tử thần về thấp thoáng,
Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,
Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn,
Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.

Khoảnh khắc cuối... Đâu còn gì tha thiết...
Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian.
Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn,
Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi...

Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi,
Để đi vào ranh giới của âm dương,
Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương,
Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ...

Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả,
Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,
Quên đàng sau những níu kéo giựt giành,
Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế...

Mắt nhắm rồi... Xin đừng thương rơi lệ,
Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu,
Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu.
Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống...

Ngoảnh nhìn lại,đời người như giấc mộng,
Đến trần truồng và đi vẫn tay không.
Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,
Nay rũ sạch... Lên bờ, thuyền đến bến...

Nếu tưởng nhớ... Xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếp người,
Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp...
(Chưa biết tác giả)

January 04, 2015

'Tặng' Ngoại!

Bình Hòa, ngày 02 tháng 12 năm 2014,

Có rất nhiều điều cần con phải viết ra, viết nhiều thứ lắm mà đến khi ngồi trước màn hình (chứ không phải trước trang giấy trắng thì lại không biết viết gì. Không biết mấy nhà văn có gặp trường hợp như vậy không nhỉ?!

... Hồi sáng này tự dưng nhớ ngoại, nhớ cái xe lôi đạp chở ngoại đi chợ về là tụi con chạy ra mừng, phụ ngoại dỡ đồ vô nhà, cái thúng cau, cái cân, cái nón lá, ngoại đứng đó trả tiền cho ông xe lôi thì tụi con trong này lục cái thúng, chắc chắn thế nào cũng có cốm dẹp, sinh tố, … rồi giành nhau tao ăn cái này, tao ăn cái này, xong chạy chơi, không biết trả tiền cho ông xe lôi xong, vô nhà, ngoại sẽ làm gì nữa vì đồ đạc trên xe, đám cháu là tụi tui dọn vô hết rồi, tôi không biết và cũng không nhớ nữa, vì lúc đó đã mắc “bận” với cốm dẹp và sinh tố…

Cái tuổi thơ êm đềm trong mấy tháng hè ngắn ngủi vậy mà còn lưu lại trong ký ức cho đến tận bây giờ...