November 03, 2016

SƯ CHÚ LA HẦU LA

Ni sư Thích Nữ Giác Anh trước khi xuất gia là huynh trưởng đoàn trưởng đoàn La Hầu La (oanh vũ Nam) tại đơn vị Thiện Hoa Hai cách đây gần hai mươi năm. Liên đoàn trưởng Nam bây giờ là đoàn sinh ngày xưa của chị. Ni sư hiện nay là thạc sĩ Phật học và đang tu tập tại một ngôi chùa xa xôi, nơi có những con chuột túi thỉnh thoảng nghe tiếng chuông dừng lại ngó dáo dác... Truyện tranh Phật giáo: Sư Chú La Hầu La Và Cuộc Phiêu Lưu Của Cậu Bé Lưu (The Adventures Of Leo Rahula Leads The Ways, tác giả: S. Dhammika & Susan Harmer), nhà xuất bản Đồng Nai, là truyện được Việt dịch bởi ni sư, phát hành tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kính đăng dẫn trên trang nhà Quảng Đức, chia sẻ với anh chị em như là chương trình 'vui học Phật pháp và trau dồi tiếng Anh', chỉ có một lỗi nhỏ (chắc do sơ suất khi in ấn, sắp chữ), là ở trang 12, chữ 'your' bị in nhầm thành 'ouyr', vì đã post lên rồi nên không sửa được (không kịp sửa) khi đọc, các anh chị em lưu ý giùm. Xin cám ơn và mời anh chị em đến với Lưu (Leo), một người bạn của La Hầu La và cuộc phiêu lưu của họ... để thấy rằng Phật giáo không chỉ có mặt ở nước nói tiếng Việt mà còn có mặt ở nước nói tiếng Anh ;)
À, phần tranh là mình không rõ của họa sĩ nào, nhưng mình thấy ảnh hưởng phong cách vẽ của nữ văn hào người Anh, Ms. Potter (Beatrix Potter), người đã tạo hình chú vịt/ ngỗng với cái khăn quàng trên đầu và con thỏ Peter (Peter Rabbit) ngộ nghĩnh. À, mà cũng có thể họa sĩ là một trong hai người S. Dhammaika hay là Susan Harmer, vì trong truyện không có in tên họa sĩ nên mình đoán thế. Thôi, anh chị em xem nhé!
_ (()) _
Viết tại Sài Gòn ngày 13/ 05/ 2013

October 02, 2016

NGHE TIẾNG CHUÔNG

Một buổi chiều, như những cư dân của thành phố xứ cờ hoa, tôi dắt bé Kayla- sáu tháng tuổi đi dạo- Kayla là tên của nàng chó giống bec-gie mà em họ tôi nuôi. Để dắt nó đi ra ngoài dạo và đi toilet, tôi phải thay đôi dép trong nhà đang mang bằng đôi giày ba ta, chứ nếu  mang dép kẹp bình thường đi ra ngoài với Kayla là bị nó kéo đi không kịp chạy, mang dép kẹp không chừng chân mình sẽ bị thương, với lại, mang giày thể thao để còn chạy nhanh theo kịp Kayla, nàng chó sáu tháng tuổi này thuộc giống loài thích khám phá, là giống “chó cảnh sát” cho nên, máu cảnh khuyển trong người nàng hoạt động ngay khi ra “hiện trường”, là khoảng vườn sát bên nhà chú tôi và các vườn cây hoa hai bên đường mà tôi sắp sửa dẫn nó đi đây. Cùng đi với tôi là đứa em gái út, nó mới đến đây (đến sống ở Mỹ) hơn hai tuần, em cũng giống tôi, xức kem chống nắng, đội nón, nhưng nó mang giày xăng-đan thôi, mặc dù nó cũng có đem theo đôi giày ba ta. Em là người thích nuôi và thương yêu, cưng chiều chó hơn tôi, nhưng em hông dắt Kayla đi mà nói tôi dắt đi nên tôi dành phải “nhận nhiệm vụ” cao cả này. Tay nắm dây dắt Kayla đi mà tôi phải dùng sức, luôn trong tâm trạng sẵn sàng để kéo nó lại vì nó rất hung hăng, hôm thứ hai, thím đã dẫn tôi và em gái cùng với em họ, cả thím nữa, học lớp huấn luyện chó. Kayla cũng học và nó rất thông minh, học mau nhớ, có điều cô nàng quá năng động cộng với “sức trẻ” mỗi lần thả ra là chạy xồng xộc trong nhà không phải chạy qua chạy lại bình thường như những con chó khác. Đeo sợi dây đeo cổ vô cho nó xong là cả một vấn đề, hai đứa tôi phải vật lộn với nó mới đeo vô được, thầy giáo nói vì nó rất “hăng” nên dây đeo cổ có thêm một đoạn dây nhỏ đeo vòng qua mõm nó để nó ‘calm down’ lại (kìm hãm tính hung hăng của nó lại), đeo được dây vào cổ và mõm nó rồi, phải “vất vả” lắm mới móc được cái dây dài dùng để dắt chó vào cái vòng cổ của nó, lúc đó là nó mới sẵn sàng và mình cũng sẵn sàng để dắt nó ra ngoài. Mở cửa sân sau ra là nó chạy vù vù, đánh hơi khắp mọi nơi, xả nước trong thân ra ở một gốc cây, sau đó là thả phân trong người ra ở một bãi cỏ, em gái tôi đem đồ nghề theo hốt (đồ nghề là một túi nilon và mấy tờ giấy báo), tôi thì lo nắm Kayla trông chừng nó, không cho nó xông vào người ta cũng như nương nương theo hướng chạy của nó để nó được chạy chơi mà mình cũng kiểm soát được nó.

Đi được một đoạn khá xa nhà tôi kêu nó Kayla ơi, đi về, nó nghe lời đi về không đi ngửi ngửi đánh hơi nữa mà băng qua bên kia đường quay đầu đi về. Đi được một đoạn lại nằm xuống, giống như là nằm dạ, đòi cho đi tiếp nữa, nhưng mà tôi bảo nó, thôi đi về Kayla, nó lại đi tiếp, rồi lại nằm dạ, hai ba lần như vậy cho đến khi đi ngang qua cổng sau của căn nhà đối diện xéo nhà chú tôi, thì cả nó và tôi đều nghe tiếng chuông, tiếng chuông ngân vang nghe rất là thanh tịnh trong không gian yên ắng. Kayla ngóng tai lên nhìn về phía sau hàng rào nơi phát ra tiếng chuông. Em tôi cũng nghe nữa, nó kêu lên:”Ê, có tiếng chuông kìa!”, chắc nó cũng ngạc nhiên như tôi, tôi nói: “Ừ, có tiếng chuông á, nghe như tiếng chuông chùa”, vừa nói tôi vừa phóng tầm mắt qua khỏi hàng rào của căn nhà để tìm chút gì đó mang dấu hiệu của tiếng chuông phát ra. Tụi tôi đứng đó nghe thì nghe rõ ràng là tiếng chuông,  thêm ba tiếng chuông liên tiếp nữa rồi ngưng,nghe như lắng lòng, như thiền trong một sát na.

Viết tới đây, tôi nhớ trong khóa tu “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” của thầy Nhất Hạnh ở thiền viện Bát Nhã, trong khóa tu có quy định bất cứ làm gì làm nghe tiếng chuông là ngưng mọi hoạt động, đến khi nào tiếng chuông ngân hết thì tiếp tục việc đang dang dở. Tôi không biết phương pháp tu như vậy để làm gì nhưng cũng làm theo, có lần chưa quen đang, vừa đi vừa kể chuyện cho mấy bạn khóa sinh nghe, tôi cứ mải mê kể, quên mất phải làm gì khi nghe tiếng chuông, mà cũng không để ý là có tiếng chuông nữa, tôi đi trước các bạn khóa sinh hồi nào hông hay đến chừng quay lại thì thấy các bạn ấy đang đứng lại đợi tiếng chuông dứt, các bạn nhìn tôi, cười, tôi cũng nhìn lại các bạn cười- ừ, mình đang tu tập mà.

Giờ ở đây, thành phố Alexandria này, hiếm họi hay họa hoằn lắm tôi mới nghe tiếng chuông thanh thoát như vậy mà không phải ở chùa hay thiền viện. Tôi cứ suy nghĩ tại sao thầy Nhất Hạnh “bắt” nghe tiếng chuông thì dừng lại, sau khi dút tiếng chuông thì “đi” tiếp? Tôi nghĩ, ví dụ hai người đang tranh luận, khi nghe tiếng chuông, biết dừng cuộc tranh luận lại, khi nghe dứt tiếng chuông, tôi nghĩ sẽ không còn cuộc tranh luận nào nữa vì hai “tranh luận viên” đó đã lắng lòng, đã suy nghĩ trong cái phút giây yên lặng đó, họ đã nhận ra lẽ đúng sai. Chúng tôi (tôi, em tôi và bé Kayla) cũng đứng yên một lúc phần là do tìm nơi nào phát ra tiếng chuông còn tôi, từ cái “đứng yên” đó, tự nhiên ngộ ra cái bài học từ cái “quy định” của thiền môn thưở ấy, hình như là vào năm 2008’, đến 2016’, mới hiểu ra vấn đề…

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”
Virginia những ngày hè năm 2016’


_(())_ Phước Định

**Bài viết cho trang www.nguoiaolam.net, viết xong ngày 31/ 07/ 2016**

September 16, 2016

TRUNG THU

Tôi nhớ hoài tết trung thu của hơn hai mươi năm về trước. Đó là tối trung thu tôi được rước đèn trong sự yên lặng hầu như tuyện đối và ánh nến lung linh của những chiếc lồng đèn. Chúng tôi là những em thiếu nhi, những chú chim oanh vũ luôn ríu rít, khó mà bảo chúng tôi có thể giữ im lặng trong khoảng mười hay mười lăm phút. Vậy mà, buổi tối đó, sau khi hát vang bài “tết trung thu”, anh chị trưởng dắt chúng tôi đi rước đèn. Hình như chúng tôi đi ba vòng quanh chùa, không biết do sợ vì trời tối hay không, hay chúng tôi mải chăm chú vào chiếc lồng đèn của mình, giữ cho nó đừng tắt mà chúng tôi rất không hề nói chuyện một câu nào. Đi rước đèn trong yên lặng mà sau này tôi mới “vỡ lẽ ra” đó là rước đèn trong chánh niệm. Lúc ấy, tôi chỉ biết là đi rước đèn thôi, không mất tập trung vào những điều gì khác, từng bạn từng bạn cầm lồng đèn đi nối tiếp nhau cẩn thận không làm tắt đèn của bạn và cũng giữ cho đèn mình không bị tắt. Ước gì có một tấm ảnh lưu lại những giờ phút đó nhỉ?! Thời của chúng tôi, máy kỹ thuật số chưa phổ biến, hình ảnh không phải muốn là lấy điện thoại ra chụp ngay như bậy giờ, cho nên nó chỉ còn lại trong ký ức những anh chị em áo lam ngày đó, những ngày Gia đình tái sinh hoạt chuẩn bị chu niên lần thứ nhất. Rước đèn xong thì là phá cỗ, những chiếc bánh trung thu đủ hoa văn, tôi còn nhớ lúc đó tôi phụ cắt bánh dẻo và bánh trung thu để vào dĩa. Tôi không biết do anh chị trưởng nào làm, nhưng tôi không nhớ đã cắt làm đôi bao nhiêu cái bánh dẻo lẫn bánh trung thu để chuẩn bị cho buổi liên hoan. Người thì cắt trái cây, người đập đá pha nước. Tôi không nhớ rõ từng chi tiết, nhưng cái không khí trung thu và cái đoạn rước đèn quanh chánh điện là tôi nhớ nhất. Chúng tôi cũng có chơi trò chơi, đố vui trung thu. Ngày đó, bánh trái đâu có nhiều loại như hiện nay, quanh đi quẩn lại mùa trung thu chỉ có bánh trung thu, bánh dẻo, hình như có trái hồng nữa, chỉ đến mùa trung thu mới có trái hồng. Cả trái hồng bây giờ cũng hiếm thấy hơn hồi đó. Ngày nay, ngoài bánh trung thu còn có các loại kẹo bánh khác trông rất đẹp mắt và khá ngon, có bánh trung thu cho người bị máu cao, bánh trung thu cho người bị tiểu đường, … Tôi hông nhớ nước uống là gì, thập niên chín mươi chắc trà đá là chủ yếu, bây giờ có đủ các loại nước: nước ngọt Coca Cola, Pepsi, xá xị, trà chanh uống liền,.. Việc bàn luận cho các em uống nước gì, ăn gì cũng là một đề tài cho các anh chị em huynh trưởng đoàn là chúng tôi bây giờ mất khá nhiều thời gian để thống nhất. Nhớ ngày xưa, thức ăn đồ uống không đa dạng và phong phú mà “dzui”, đỡ mất nhiều thời gian tranh luận về cái sự ăn uống! Trung thu năm nay ở quê hương thứ hai này, tôi có thể thấy rõ ánh trăng, ánh sáng trăng mà thường xuyên bị những ngọn đèn của đường phố Sài Gòn làm lu mờ mất. Ánh trăng vàng tròn sáng rõ trên bầu trời. Tôi chợt nghĩ sao ngày nhỏ, lúc đi rước đèn quanh chùa, sao không ngước mắt lên nhìn trăng, mà lúc đó tôi có ngước nhìn lên ánh trăng không nhỉ? Tôi cũng không nhớ rõ. Mùa trung thu của Gia đình Phật tử nó không giống với những trung thu mấy năm trước mà lũ trẻ trong xóm tôi hay chơi. Nó cũng có rước đèn, có phá cỗ đêm trăng, chỉ khác chút là có những câu đố vui Phật pháp, những trò chơi Phật pháp, những bài hát trung thu mang đầy tình Lam, nào là “mời anh, mời chị đến với đoàn em, liên hoan trung thu súm (sum) vầy tình Lam…”. Lúc hát, anh trưởng dạy cho chúng tôi hát từ “sum” cao lên một chút nghe thành “súm”, nhưng mà có nghĩa là sum vầy. Anh dạy chúng tôi như thế. Trung thu năm đó, có lẽ là trung thu đầu tiên mà tôi được tham dự với Gia đình Phật tử. Cái không khí ấm cúng và chúng tôi đã vui chơi, ca hát thật nhiều, qua đó cũng biết thật nhiều các bài hát mới lạ về trung thu, ngoài cái bài năm nào cũng hát là “tết trung thu em đốt đèn đi chơi…”. Tôi còn nhớ vài bài nữa mà đoạn cuối là “đón mừng Vu Lan năm nay, đón mừng trung thu năm nay. Ư, quá là vui!”. Vui thật, cho nên sau hơn hai mươi năm vẫn không quên. Cái ‘một chút’ khác đó làm cho trung thu Gia đình Phật tử mang đầy đạo vị, giúp cho các em chơi mà học, học mà tu, tu mà sửa. Chắc hẳn các anh chị em áo lam ai cũng có một kỷ niệm Trung thu Gia đình Phật tử vui như vậy khi mới bắt đầu đi sinh hoạt. Nó mang ý nghĩa gần gũi với cuộc đời chứ không đứng ngoài cuộc đời như là một tôn giáo riêng, nó cho thấy Gia đình Phật tử không chỉ có tu học Phật pháp mà còn đem Phật pháp vào đời qua việc tổ chức liên hoan trung thu. Đó là dịp để các anh chị em cùng ngồi bên nhau, chuyền tay nhau chiếc bánh trung thu, ngắm nhìn những chiếc lồng đèn lung linh ánh nến, trò chuyện, nói cười, xem văn nghệ trung thu; là dịp để huynh trưởng và phụ huynh đoàn sinh có dịp gặp gỡ nhau và để phụ huynh hiểu biết thêm về những hoạt động của Gia đình Phật tử.

Những năm sau này, lồng đèn bằng giấy không còn nhiều nữa, Gia đình Phật tử vẫn tùy duyên tổ chức rước đèn trung thu cho các em, khuyến khích các em dùng lồng đèn có đèn cầy để cho buổi phá cỗ không bị lấn át bởi tiếng lồng đèn điện cứ phát nhạc khi mở đèn lên. Chiếc lồng đèn giấy từ từ còn lại trong cái xóm làm lồng đèn gần nơi tôi ở, trong cái đèn kéo quân mà mỗi đoàn dùng công xảo minh; thanh minh; nhân minh, làm nên dể đại diện cho đoàn của mình trong đêm trung thu. Chiếc lồng đèn giấy cũng còn lại trong miền nhớ nơi anh chị em áo lam đã từng là oanh vũ, cũng như còn trong tôi với cái buổi rước đèn trong chánh niệm…


Phước Định
(Viết xong ngày 14/ 8 AL, DL 2016, viết cho trang www.nguoiaolam.net)

August 12, 2016

CON NGỦ ĐI CON


… đớn đau ngoài kia, mình ba chịu được rồi (*)

Trên đây là tựa đề của một quyển sách viết về một người cha tâm sự với con, khuyên con những điều hay lẽ phải khi ông không có thể ở bên con từ lúc con chào đời tới lúc trưởng thành, đọc nó ta nhìn thấy một người cha rất thương con, muốn ở gần con mà vì một lý do nào đó, ông chỉ có thể viết cho con bằng “mẩu bút chì tí hin”“với tập giấy học sinh mòn cũ”, viết cho con và “cho cuộc đời nghiêng ngả ngoài kia”. Đọc nó, tôi cảm thấy, phải chi có một người cha như thế trong đời thực và ước gì hồi ở tuổi cậu bé này, mình đã được đọc nó, thay cho những lời khuyên dạy mà tôi không có được từ người cha quá ít nói của mình.

Tú- người cha trong sách đã giải thích với con rằng: “Vì nuôi một con chó, với nhiều người có thể là phiền phức, là tốn thời gian, là dơ bẩn căn nhà, nhưng đó lại là khi người ta bước đầu học cách để quan tâm, chăm sóc cho một sinh linh khác, yếu ớt hơn mình”. Ông kết luận: “điều quý giá nhất một chú chó có thể dạy cho mình, đó là sự bất biến của tình yêu và lòng trung thành vô hạn… Với chúng ta, chú chó nhỏ chỉ là một phần trong cuộc đời, nhưng ngược lại, chúng ta là cả cuộc đời của nó”. Từ tình thương đó , ông nhắc nhở đứa con rằng:”ba mẹ chỉ là một phần trong đời của con, nhưng với ba mẹ, con là cả một cuộc đời”. Chắc chắc là như vậy rồi, mỗi năm trôi qua, con lớn thêm một tuổi, khỏe mạnh, hồng hào, đầy nhựa sống của tuổi trẻ. Cha mẹ cũng lớn thêm một tuổi, nhưng mà tuổi này là tuổi của xanh xao, hao gầy, nhiều nếp nhăn trên trán mà hiếm đứa con nào nhận ra điều đó, vì cái chúng luôn nhận được là “con ngủ đi con, đớn đau ngoài kia mình ba (me) chịu được rồi”- chịu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vẫn mong chờ được nhìn thấy con lần cuối. Chờ như ông cậu Tám của tôi, lúc ông bị tai biến, ông chờ người con cả về, khi ông con cả về được chừng một lát sau thì ông cậu Tám tôi mất. Hình như những người già luôn muốn make sure (chắc chắn là) con cái mình ổn – bình an trước khi mình ra đi vĩnh viển. Tôi không rõ lắm, cũng không biết về già mình có như vậy không, nhưng sau vài sự kiện mất người thân trong gia đình, tôi rút ra điều đó. Quả thật, “tình cảm gia đình cũng như không khí ngoài kia, nó luôn tồn tại, vô điều kiện đến mức người ta thường quên đi sự hiện diện và cần thiết của nó trong cuộc sống”- đến mức khi một người họ hàng nằm xuống ta mới ngỡ ngàng và cảm nhận sâu sắc cái gọi là “tình cảm gia đình”.

Quyển sách cho ta thấy chân dung một người cha rất mực thương con, từng bức thư gửi con là từng bài học kinh nghiệm sống từ cuộc đời ông, ông đem chia sẻ, khuyên dạy con mình, một phương pháp giáo dục bằng “thân giáo” đầy hiệu quả. Tuy nhiên, cái kết bất ngờ là người mẹ lại là người kết thúc chuỗi thư từ này thay vì là người cha phải viết.

Mùa Vu Lan báo Hiếu, người ta nhắc quá nhiều đến người mẹ đến nỗi quên đi sự hiện diện của người cha. Có lẽ xã hội bây giờ ngàng càng có nhiều bà mẹ đơn thân mà hiếm khi thấy những ông bố đơn thân. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn viết về cha qua cảm nhận về quyển sách này, như một cách nhắc nhở và một sự công bằng (ghi nhận công ơn của cả ba và mẹ) và vì thực tế cũng không thiếu những người cha lo lắng, quan tâm con cái như vị nam phụ huynh đoàn sinh ở đơn vị tôi từng sinh hoạt.

Có lần, chị tôi viết thư về bảo rằng chị không thể nào quên được hình ảnh ba tôi ngồi bán pháo chiều ba mươi tết (lúc đó Sài Gòn còn cho đốt pháo) để kiếm tiền cho gia đình tám miệng ăn xài tết. Ba tôi là người chân chất không biết nói những lời văn chương hoa mỹ nhẹ nhàng. Tôi xin mượn quyển sách này để tôi và, có thể là, các anh chị em nữa, hiểu thêm về cha, để thấy được rằng đằng sau những lời nói cộc cằn là tình yêu thương “cao như núi Thái”; để những người cha trên thế gian này cũng vui lòng rằng mình cũng được nhắc nhớ trong mùa Vu Lan báo Hiếu.

Brambleton, mùa Báo Ân

_(())_ Diệu Hoàng


(*) Tựa đề bài viết lấy theo tựa đề của quyển sách “Con ngủ đi con…” của tác già Nguyễn Ngọc Thạch.

August 10, 2016

HIẾU THIỆN

“Thưa cô, con là anh hai của Thư, con đi làm xa, con rất thương em Thư, con cám ơn cô đã dạy bảo Thư”.
“Những điều ghi trong đây là đúng hết. Cô ơi, nhiều khi ăn cơm ở nhà cháu rất làm biếng ăn, nhiều khi sai nhờ việc gì cũng lười chưa chịu làm liền, nhờ cô nhắc nhở cháu giùm”.

“Cám ơn cô, cháu chịu ăn chay, thấy cháu ăn chay được nên tôi cho cháu ăn chay mười ngày…”

Đó là những lời nhận xét đơn sơ, mộc mạc; những chia sẻ chân tình mà thỉnh thoảng tôi bắt gặp trên những trang sổ Hiếu Thiện của các em vào mỗi chiều chủ nhật. Sổ Hiếu Thiện, hay còn được chúng ta gọi tắt là sổ Hiếu. Quyển sổ Hiếu tôi làm theo mẫu sỗ Hiếu khi tôi còn là Oanh vũ được các anh chị làm cho, tôi theo mẫu đó làm lại cho các em trong khi chờ sổ in sẵn của Gia đình và mẫu  sổ chung của Ban hướng dẫn phát hành.

Tôi muốn sổ Hiếu được thực hành xuyên suốt năm cho nên trong thời gian chờ đợi đó, tôi làm sổ Hiếu bằng cách thủ công: lấy quyển tập học trò chín mươi sáu trang làm sổ Hiếu, trong đó ghi bốn mục chính: Hiếu thảo (việc nhà), Việc thiện, Tu thân (ăn chay, niệm Phật) và Sinh hoạt (em có đi sinh hoạt tuần đó hay không), sau cùng là phần nhận xét cùa phụ huynh (nằm bên trái quyển tập) và nhận xét của đoàn trưởng (nằm bên phải quyển tập). Hàng tiêu đề dùng để ghi thời gian, tuần lễ từ ngày tháng của tuần sinh hoạt này đến ngày tháng của tuần sinh hoạt sau. Nhiều khi vì công việc hoặc vì chuyện gia đình riêng tôi nghỉ sinh hoạt mấy tuần liền, vậy mà có một số em vẫn tự giác ghi sổ Hiếu đều đặn mặc dù không có tôi “chấm” và ghi tiếp cho các em phần sổ Hiếu của tuần sau.

Vì tôi làm theo cách “ghi tay” nên mỗi một nội dung sổ Hiếu như vậy mất hai trang giấy, thường sau khi chấm xong thì tôi ghi tiếp các đề mục đó qua hai trang giấy sau để các em ghi chép tiếp (nếu như có in sẵn thì tôi khỏi ghi rồi J). Tôi cố gắng duy trì sổ Hiếu như vậy và cứ mong Gia đình và Ban hướng dẫn chốt nhanh nhanh mẫu sổ Hiếu để tôi khỏi phải ghi nữa, nhưng việc gì cũng phải mất thời gian và sự kiểm nghiệm nên tôi đành phải chờ. Do đó, tôi lấy giải pháp sổ Hiếu ngày xưa tôi được làm để làm cho các em như một phương án dự phòng, để các em quen với việc ghi sổ Hiếu, nghĩa là trong một cách nào đó, các em cũng quen với với việc tuần đó có ăn chay, niệm Phật, rửa rau giúp bà hay cho bạn mượn gôm, hay cố tình làm một việc gì đó để có việc ghi vào sổ Hiếu. Cho dù là các em cố ý hay tự nguyện làm một việc để ghi vào bảy dòng tôi chừa trong sổ cho các em ghi thì đó đều là những việc thiện lành nhằm tưới tẩm hạt giống bồ đề trong các em để khi các em lớn, một ngày nào đó, tự nhiên các em sẽ nhận ra hạt giống bồ đề mình đã được gieo trồng từ khi là Oanh vũ, nay lớn lên vững chãi với đời và kiên tâm với đạo.

Tôi không nhớ từng câu từng chữ mà phụ huynh các em ghi, chỉ nhớ ý là như vậy, nay xin ghi lại trong bài viết này cho các anh chị em cùng đọc. Mong rằng nó cũng sẽ là liều vitamin cho các anh chị trong quãng đời làm huynh trưởng ngành Đồng.

Nhìn nét chữ là biết, có phụ huynh học hành đàng hoàng, biết lo cho con cái, nét chữ rõ ràng, dễ đọc, ít sai chính tả; nhìn nét chữ xiêu vẹo, sai chính tả vài chữ, có khi sai cả nguyên câu là tôi rất thương, vì phụ huynh đó ít học hoặc vì công việc không được thường xuyên cầm bút nên chữ không được đẹp lắm, mà họ đều viết nên những điều dễ thương vô cùng (đối với tôi). Tôi đọc và quan sát các em oanh vũ chung quanh mình, em nào cũng như em nào trong đồng phục áo lam nhưng cha me, anh chị của các em là những hoàn cảnh rất rất là khác biệt. Tuy nhiên, họ cùng chung nhau ở một điểm là luôn mong muốn con em mình được học hỏi những điều hay lẽ phải, biết nghe lời người lớn, biết ăn chay, v.v., nói chung là trở thành người tốt và điềm tĩnh trong cái xã hội chỉ cần một lời nói vô tình cũng có thể xảy ra một trận ẩu đả, mà từ trận ẩu đả đó có thể gây ra những thiệt hại khác có khi là thiệt hại về nhân mạng…

Bằng cái cách gọi tôi bằng cô, vô tình quyển sổ hiếu còn có thêm một nhiệm vụ nữa là giống như một sổ liên lạc – một sợi dây liên lạc vô hình giữa huynh trưởng và phụ huynh. Có khi tôi đọc được ở phần Sinh hoạt: cháu đi sinh nhật, không đi sinh hoạt được, hay cháu bệnh không đi sinh hoạt được, cả những phần “nhờ vả” như nhờ nhắc nhở, khuyên cháu giùm của một trong những phụ huynh tôi trích dẫn ở trên.

Luận về tên của quyển sổ: sổ Hiếu Thiện. Chữ Hiếu thì ai cũng biết, còn tại sao lại là Hiếu Thiện- sổ Hiếu Thiện chứ không phải là sổ Hiếu Đạo hay Hiếu Nghĩa hay Hiếu Thuận? Chữ “thiện” nó mang nhiều nghĩa- tôi nghĩ nó bao hàm cả “đạo” cả “nghĩa” cả “thuận” trong đó. Một khi mình là làm việc thiện rồi là mình đã giữ được đạo, là mình làm việc nghĩa và như vậy thì là mình mang đến sự thuận hòa. Chữ Thiện- sau này các em sẽ hiểu hành thập Thiện, à thì ra các em đã hành một trong những thập Thiện khi các em thực hành ghi chép vào sổ Hiếu Thiện.

Tưới tẩm hạt giống bồ đề không phải là cầm cái bình nước rồi tưới mỗi ngày. Hạt bồ đề này, hạt bồ đề tâm, làm sao tưới tẩm một cách khéo léo để hạt bồ đề thấm chất hiếu thảo, đậm hương thiện lành mà phát triển thành đạo tâm tươi tốt - thành những người “Phật tử chân chính góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”, sổ HIẾU THIỆN là một trong những bình tưới mà Gia đình Phật từ nào cũng có.

Virginia, mùa Hiếu năm 2016 - PL 2560


 _(())_ Phước Định
(Bài viết cho bản tin Hiếu GĐPT QĐ-SG)

June 28, 2016

CON PHẬT

... Thím tôi là đứa con gái “lai Tây” bán trái cây ở chợ An Đông phụ má, giữa những ngày Sài Gòn mới giải phóng. Thím kể, mấy anh chị lớn không dám bưng bê trái cây vô nhà lồng chợ bán, sợ bạn bè thấy, mắc cỡ, còn thím, vì “khi lớn lên mới được má nhận về nuôi thì mừng lắm cho nên đi theo má à!”

---

“Thím được má gửi vô chùa nuôi từ khi còn rất nhỏ, khi má thím vô chùa dẫn thím về thì lúc đó hình như thím được sáu – bảy tuổi à!”. Tôi chưa nói thím tôi tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử ở Việt Nam, nhưng hình như có một sự liên hệ vô tình hay hữu ý nào đó, thím cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng thím được các sư cô nuôi dưỡng và thím ở trong chùa. Thím hay bắt đầu bằng câu “từ nhỏ thím đã ở trong chùa, mấy sư cô nuôi thím…” khi thím kể cho tôi nghe về thời trẻ của mình, về khoảng thời gian cực khổ, đầy khốn khó, dường như đó là sự biết ơn và trân trọng nhà chùa đã cưu mang, nuôi dưỡng và giáo dưỡng thím, để khi thím về lại với má thím, thì một mặt, thím rất mừng là giờ mình có má, một mặt những gì thím được sư cô dạy ở chùa như một thứ vũ khí vô hình đã giúp thím đứng vững trước “giông bão cuộc đời”- dù lúc rời chùa thím chỉ bằng tuổi một đứa học sinh cấp một, chưa “giác ngộ” được gì nhiều từ những lời kinh Phật. Thím chỉ biết tới giờ, lên tụng kinh, “tụng theo sư cô mà đâu có hiểu gì đâu”. Rồi khi ra đời, trở lại với cuộc sống đời thường, cũng đâu có được đi học vì hoàn cảnh gia đình không cho phép, thím phải theo má bán trái cây. Cuộc sống ở chợ, nơi thím buôn bán, và ở chợ đời thì các bạn cũng đã biết rồi đó, đủ mọi thành phần khác nhau, nhưng  thím không để mình bị nhiễm những thói quen xấu, thím biết ăn trộm, ăn cắp là xấu, cân thiếu cho người ta là không đúng, thím không buôn gian bán lận, không nói thách để người ta trả giá. Cái sạp của thím và má thím rất có uy tín ở chợ. Những chiều bán ế, thím bưng mâm trái cái vô chợ, nài nỉ mấy bà trong chợ mua giùm.

Chắc gương mặt lai Tây và hàng ngày đi dọn hàng giúp má đã gây sự chú ý và làm cô bác trong chợ cảm động mua giùm thím, thím còn được “lên báo” vì tấm gương hiếu thảo, còn nhỏ mà biết đỡ đần cha mẹ.

Thím rất biết ơn chú tôi vì đã hỗ trợ tài chính để má thím không bán thím lấy ba cây vàng, bán thím cho người ta làm giấy tờ đi Mỹ, chú thím lấy nhau chưa phải vì yêu mà một phần vì ân nghĩa, thím nói vậy. Như những người con Phật, thím kể về những biến cố trong đời không trách móc, không phê phán, mặc dù má thím có ý định bán thím, nhưng thím vẫn rất mực thương yêu và hiếu thảo với bà. Tôi nghe như thím thực hành lòng từ bi của đức Phật vậy. Chú thím lấy nhau sinh được em họ tôi thì thím có giấy tờ đi diện con lai. Thím lại tiếp tục hành trình cuộc sống ở một nơi có bốn mùa rõ rệt, không phải hai mùa mưa nắng như ở Sài Gòn: thành phố Alexandria, nước Mỹ. Những tưởng thím sẽ là một Phật tử thuần thành vì thím có ‘cái gốc” từ đạo Phật mà ra và nhờ cái “ba - bốn năm ở chùa” đó đã giúp thím vượt qua những phân biệt đối xử và “cái nhìn” nghiệt ngã mà xã hội dành cho những đứa con lai sau ngày giải phóng. Vậy mà, không, thím tôi giờ là một “con chiên ngoan đạo”. Những ngày mới đặt chân lên đất nước của tự do, được các mục sư giúp đỡ và, theo tôi, có lẽ là truyền đạo, thím dần trở thành một người tích cực trong các hoạt động mà trong đạo Tin Lành gọi là “người hầu việc” Chúa. Thím dự lễ nhà thờ, cùng các anh chị em khác trong hội thánh tổ chức nhóm họp, … như tôi là huynh trưởng Gia đình Phật tử, cùng sinh hoạt và tổ chức sinh hoạt với các anh chị em gia đình Phật tử.

Tuy nhiên, trước khi chính thức “cải đạo”, thím đã mất một năm băn khoăn, ray rứt với sự lựa chọn tôn giáo của mình. Bẵng đi một năm, thím không dám quay lại nhà thờ, cũng không đi chùa. Những tháng ngày đó, khi “chọn” Chúa thì thím cảm thấy “áy náy” với Phật, cảm thấy như mình có lỗi, rồi khi biết ra Chúa hay Phật cũng là một hình thái của đạo… thì thím cảm thấy thoải mái hơn khi gia nhập hội thánh Tin Lành ở nhà thờ Parkwood.

Tôi thấy thím sống một cuộc đời rất là thanh bần, là chủ của hai ngôi nhà, một ở, một cho mướn, có con gái là hoa hậu Châu Á nổi tiếng, nhưng thím sống chan hòa với tất cả mọi người. Những chướng ngại hoặc những điều tiếng xấu xa mà đồng nghiệp hay bạn bè gây ra cho thím, thím kể lại với giọng điệu không ganh ghét, hận thù, không phải kể tội người ta mà “cái đó là thử thách, để mình vượt qua và có Chúa luôn dõi theo mình trong từng việc mình làm”, thím nói vậy đó. Thím từ bi và thánh thiện đúng nghĩa. Chú có hỏi tôi: “Con tiếp xúc với thím, con có tìm được khuyết điểm nào của thím hông?” Tôi thiệt không biết phải trả lời sao! Từ năm chín mươi (thím định cư ở Mỹ) đến nay, từ nguồn gốc là một người con Phật cho đến làm một người con của thánh Giê-hô-va, là cả một quá trình biến chuyển từ cuộc sống xã hội đến đời sống tâm linh của thím. Chú mất mười ba năm mới chịu theo thím đi nhà thờ dự lễ mỗi tuần. Thím đã chuyển hóa các thành viên trong gia đình bằng cái “thân giáo” và “huân tập” của mình. Tôi thấy thím vận dụng rất hay và khéo léo. Cuộc sống của thím bây giờ thoải mái về kinh tế so với một kẻ “chân ướt, chân ráo” như tôi, có lẽ tôi làm thím nhớ lại thím của hai mươi sáu năm về trước nên thím tâm sự nhiều lắm, kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Càng nghe, tôi càng cảm phục thím, sự hy sinh cao cả, tính kiên nhẫn, cứng rắn và kiên định, mềm mỏng nhưng dứt khoát. Diệu Hiền là pháp danh của thím, thím hay đùa, khi thím nói chuyện nhỏ nhẹ, dịu dàng thì thím là “con Hiền”, còn khi cần đấu tranh, dùng những lời lẽ và giọng điệu mạnh mẽ để bảo vệ lẽ phải thì thím là “con Mai”- tên “ngoài đời của thím. Thím tôi rất là hài hước. Tôi không biết tên thánh của thím là gì, chưa có dịp hỏi thím, nhưng điều tôi thắc mắc hơn cả là: tại sao Phật đã “đào tạo” nên một người con Phật “giỏi giang“như vậy mà Phật lại “trao” người đó vào tay Chúa?!

Phước Định
Viết xong vào một đêm mùa hè lạnh ở Virginia-nước Mỹ, 26/06/2016

April 21, 2016

THÂN GIÁO

(Tưởng niệm thầy Thích Như Thích)

Khi hay tin thầy Thích mất, trong tâm trí tôi vọng lại câu nói:”một người thì “tiền hô, hậu ủng", một người thì lặng lẽ chẳng ai biết đến”, nói là để so sánh giữa thầy và thầy Nhất Hạnh (em thầy), tôi thầm nghĩ vậy thầy Thích mất chắc cũng “âm thầm” và ít người đưa tiễn vì ít người biết đến thầy quá, nhưng chiều nay, về trước linh cữu thầy, bước vào, tôi đã nghe thấy một mùi hương ngào ngạt, những chậu hoa tưởng niệm viếng thầy để gần đầy hết lối vào phúng viếng, vậy là thầy cũng có người biết đến chỉ là tôi hông biết mà thôi.

Nhớ hồi tôi biết thầy, từ nhỏ tôi đã thấy thầy hay đi xe đạp ngang nhà tôi, tôi không hiểu, hồi nhỏ cứ nghĩ thầy là người nghèo, người ăn xin, không hiểu sao hay đi ngang nhà tôi hoài, mặc chiếc áo tơi đúng nghĩa, nhìn giống tấm vải mùng á, các bạn ạ! Sau này đi sinh hoạt trong chùa, tôi mới biết thầy là sư tu trong chùa gần nhà tôi. Sau bao nhiêu năm, “thời trang” của thầy vẫn không đổi, vẫn chiếc áo tơi màu trắng đó, thầy đã “rong ruổi”, tôi không biết thầy “rong ruổi” những đâu nhưng về hay đi đều đi ngang nhà tôi cả, tuổi thơ tôi lớn lên cùng hình bóng của thầy trên con đường trước nhà, mỗi khi tôi nhìn thấy thầy, một cái vẻ quen quen kỳ lạ nhưng tôi không biết đó là gì. Sau này tôi mới biết thầy là anh của thầy Nhất Hạnh, vị thầy tôi rất là ngưỡng mộ và có thể nói là nổi tiếng khắp thế giới, hèn chi tôi cứ thấy quen quen, nhưng tôi vẫn chưa tin lắm về mối quan hệ này… Đến khi thấy thầy ít đi ngang nhà tôi nữa, tôi mới biết thầy già yếu đi nhiều, sau đó thì thầy không còn đi lại được nữa, chẳng còn bóng thiền nhân trong cái xóm Phú Bình này nữa rồi…

Thầy mất…

Ai hay cái gì nhìn đã quen mắt giờ tự dung không còn nữa, một kẻ nhạy cảm như tôi bỗng thẫy chạnh lòng. Sáng nay, dõi nhìn theo chiếc xe quan chở thầy ra nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa mà lòng dâng lên một nỗi niềm khó tả, thầy không có bà con gì với tôi hết, hình như thậm chí tôi chưa nói chuyện được mười câu với thầy, cớ sao tôi lại thấy không vui đến thế?! Nhớ những ngày tụi tôi học Phật pháp, thầy thỉnh thoảng đem trái cây, bánh ra “tiếp tế”, đang học đói bụng mà có đồ ăn là sướng lắm, nên tụi tôi khoái chí, cám ơn thầy lia lịa, hình như buổi nào học cũng được có cái gì đó để ăn. Rồi chúng tôi học hết bậc, lớp anh chị huynh trưởng phần đi nước ngoài, phần đi làm xa, chúng tôi lên lớp và có những chùa khác có chỗ để học nên chúng tôi không còn ngồi ở cái giảng đường (thật ra là cái nhà ăn, các bạn ạ!), cái giảng đường “ọp ẹp”, nhiều muỗi và không đủ sáng, chúng tôi chuyển qua chùa khác học, hoặc học bên đoàn quán của mình, không còn tối tối xúm nhau bên nhà ăn nữa, từ đó, chúng tôi cũng xa thầy, xa luôn cả bánh trái của thầy. Bây giờ, thầy nằm đó, trong cỗ áo quan có hương hoa lan và hoa lài ngào ngạt, khi chiếc xe lăn bánh đi trên đoạn đường đã được Gia đình Phật tử chúng tôi rải đầy hoa, tôi tưởng như thầy bước trên đường hoa đến cõi niết bàn. Cái xe đóng lại, hai cánh cổng nhỏ trên xe tạo thành chữ “phúc”, thầy đủ “phúc” trong cuộc đời rồi nên thầy đi đây con, tôi thấy trên di ảnh thầy một nụ cười thiền.

Đủ phúc, tang lễ của thầy ấm cúng, không có sự khóc lóc thảm thương mà chỉ có bóng y vàng rực rỡ, tôi đã bị choáng ngợp bởi y vàng rực rỡ đó, thật đẹp, thật trang nghiêm, tĩnh lặng, không gian trầm lắng trong tiếng chuông trống bát nhã âm vang, tiếng chuông trống bát nhã lần cuối cùng thầy nghe có hay không? Con thì nghe hay lắm, con thấy không có âm nhạc nào hay bằng tiếng chuông trống bát nhã cả. Thật kỳ lạ, khi thầy “đi” rồi, tôi lại có ý định muốn nói chuyện với thầy. À, nhớ có lần tôi có nói chuyện với thầy, đó là lúc thầy la “mấy nhỏ” (các em oanh vũ) không được đi dép lên sân trước chánh điện, tôi nghe thầy la vậy nên vôi vàng nhắc nhở các em và nghĩ sao thầy “dữ” quá. Lúc đó, tôi mới làm huynh trưởng nên cũng sợ lắm, sau này hông dám cho các em ra chánh điện nữa. À, mà như vậy có phải là một cuộc trò chuyện không nhỉ? Chưa hẳn, tôi cảm thấy mình “vô duyên” khi cảm thấy thương tiếc một người mà chưa có dịp thân cận nhiều, nhưng tại sao tôi vẫn thấy mất mát? Mấy năm gần đây tôi mất nhiều người thân, nên tin báo tử đến với tôi, tôi không bị sốc nhiều so với lần đầu tiên tôi nghe tin ngoại mất. Tôi đón nhận tin báo tử như một điều đương nhiên trong cuộc sống, như trên tay cầm một tấm thiệp hồng, như tôi vẫn thường hay hát nghêu ngao “đời người như án mây trôi, phiêu bồng vô định có rồi lại không, đã sinh ra chốn hồng trần, mấy ai tránh khỏi đôi lần tử sinh…” để nhắc nhở mình dành nhiều thời gian hơn cho người sống.

Viết đến đây tự nhiên nghẹn ngào xúc động, bóng thiền nhân quen thuộc của gia đình tôi, của má tôi, của chị tôi, đã không còn nữa. Và cái vị ở bên trời kinh đô ánh sáng Paris kia cũng đang chẳng khỏe mạnh gì, sao những người tôi yêu mến, quý trọng đều lần lượt…?!

Đến tiễn đưa thầy tôi mới thật sự khẳng định và giải tỏa mối nghi ngờ trong lòng, đó là thầy chính thật đúng là anh của thầy Nhất Hạnh, với phong cách thư pháp của những chữ trên tấm liễn chia buồn và sự hiện diện của đạo tràng Mai thôn, tôi mới xác nhận điều đó. Thật là có những chuyện “chết mới biết” chắc chắn J Tôi bật cười khi nhớ đến trường hợp tương tự mà chị bạn kể cho nghe, giả bộ làm đám ma cho ông chồng khi ông chồng đi công tác xa, mới biết ông chồng có bồ nhí, vì cô bồ nghe ông ấy chết thì ẵm con đến tìm. Cái sự liên tưởng này, tôi không có ý nói là thầy chết rồi tôi mới biết, nhưng chỉ là khẳng định một điều mà tôi không thể nào tin được vì thầy Nhất Hạnh và thầy Như Thích, sao khác xa nhau quá? Làm sao là bà con? Chỉ vẻ mặt giống nhau thôi, nhiều khi người giống người cũng được. Mặc dù, chị Minh Hương nói cho tôi biết và còn mỉa mai bằng câu nói “tiền hô hậu ủng” như tôi đã ghi ở trên, nhưng không hiểu sao tôi vẫn còn hoài nghi. Đến hôm nay thì hết hoài, hết nghi rồi. Thầy Như Thích đã trả lời cho tôi rồi đó, trả lời bằng một sự kiện của vô thường, hữu hình – hữu diệt. Khi biết rồi thì nếu được chọn, tôi muốn chọn cuộc sống thanh bần như thầy, thầy đã làm “thân giáo” cho rất nhiều Phật tử trong chùa Hưng Long (nay là chùa Hưng Quốc của chúng tôi) cũng như cho rất nhiều Phật tử biết đến thầy. Thân giáo, một trong những phương pháp giáo dục trong gia đình Phật tử. lấy mình làm gương để các em noi theo.

Thầy thong thả, thảnh thơi bước đi trong một ngày nắng đẹp, có “mưa hoa” (là Gia đình Phật tử chúng tôi tung hoa đó! J), có tiếng kệ kinh và dòng người đưa tiễn.

Thiền nhân nay “về trời phương ngoại” như đạo tràng Mai thôn đã thành kính tiễn đưa.

Gia đình Phật tử, những người áo lam chúng con cũng vậy, xin cung kính tiễn đưa thầy.

Ngày nắng tháng tư năm Bính Thân,
                                                                                                       
                                                                                                                  _(())_ Phước Định

March 14, 2016

THIỀN BIỂN


Từ lâu, tôi đã muốn đi thiền hành trên biển khi thấy hàng dài đoàn Phật tử đi thiền hành dọc bờ biển theo thầy Chân Quang trong đoạn phim pháp thoại của thầy, rồi các bạn Người Áo Lam của tôi cũng có buổi thiền tập trên bãi biển mà lúc đó tôi không tham gia được. Tôi đã dự tính chắc mình phải sắp xếp đi dự khóa tu của thầy để được đi thiền hành trên biển… Tôi muốn được đi thiền hành trên biển như các Phật tử, như các bạn áo lam của tôi mà chưa có dịp.

Sớm hôm nay như một thuận duyên, tôi được hân hạnh dẫn đoàn thiện tài đi thiền hành trên biển, mỗi một bước chân là một câu niệm Phật. Lúc đấy tôi không nghĩ gì hết, chỉ niệm Phật và chú ý vào bước chân của mình, à, mà còn phải chú ý về điểm đến là cái nhà màu vàng vàng (nơi sẽ là trạm kế tiếp của các em- Trí Tuệ giới), số là đang đứng vòng ngoài trong khi các em đang nghe anh trại trưởng nói về thập nguyện Phổ hiền và ý nghĩa của việc thiền hành thì anh Đời sống trại đến nói tôi lát dẫn các em đi thiền hành, vừa nói anh vừa dẫn tôi ra chỉ cho tôi lộ trình đi thiền hành, cho nên đi thì đi nhưng mà cũng phải chú ý điểm đến.

Chúng tôi đi trong tiếng “nhạc nền” là tiếng sóng biển rì rào, có lẽ là vì cát biển mịn màng nên không nghe tiếng chân các em bước, cả tiếng chân tôi bước cũng hông nghe, vừa chắp tay, niệm Phật, vừa bước đi chầm chậm, thỉnh thoảng tôi quay nhìn về phía biển, biển trong xanh, trời trong xanh, những cơn sóng nhẹ lăn tăn, tiếng sóng vỗ nghe không lớn lắm. Bầu không khi như còn vương chút hơi sương của buổi bình minh khi mặt trời chưa ló dạng. Tôi nhìn biển phía xa, những con sóng nhấp nhô, hết đợt này đến đợt khác, thấy những bạn đứng phía xa đang đợi ở “Trí Tuệ giới”, à, rằng đây là thật: tôi đang đi thiền hành trên biển mà không chỉ có một mình tôi mà còn cùng với hơn một trăm anh chị em áo lam khác nữa. Một niềm hỷ lạc cho một ngày an lành. Có vẻ như biển biết chúng tôi đi thiền hành nên sáng nay vỗ xa bờ một chút, nhường chỗ cho đoàn “Thiện Tài” bước từng bước chánh niệm đầu tiên trên con đường đi tìm đạo.

… Bạn có thể có những ước mơ, và hãy cứ hướng về những mơ ước ấy, cho đến một ngày nhân duyên hội đủ, hữu duyên, thuận duyên, trợ duyên, hay duyên duyên gì đó, ước mơ của bạn sẽ thành hiện thực vào những lúc mà bạn không ngờ tới được.

Cuối cùng, tôi cũng đã thực hiện được niềm mong muốn của mình, thiền hành trên biển hay nói ngắn gọn là Thiền Biển…

Mùa trại họp bạn Trúc Lâm 6

_(())_ Phước Định