August 11, 2009

TẢN MẠN VỀ... NGOẠI!

Nhân mùa lễ Vu Lan
Nhân ngày giỗ giáp năm sắp tới
Hẳn ai trong chúng ta không nghĩ rằng có một ngày “có một người cài lên áo cho con một nụ bạch hồng. Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ”. Tôi cũng vậy, tôi cũng chưa nghĩ đến một ngày, một ngày tôi phải mang về cho Má tôi một bông hồng trắng, bởi vì bà ngoại tôi đã đi xa. Cầm đóa hoa màu trắng về nhà mà chợt rùng mình vì mai mốt mình cũng sẽ cài trên ngực áo cánh hoa này. Má tôi mất mẹ đồng nghĩa với tôi mất bà ngoại, một logic rất tự nhiên, như nước mắt chảy xuôi dòng. Theo dòng người trong sân bay bước ra, thấy Má mắt rưng rưng, nhưng tôi dã kịp nói chuyện để không có “mưa phi trường”. Leo lên xe về thẳng nhà ngoại, lạy từ ngoài cửa nhà đến áo quan thì ngoài “tầm tay” của tôi rồi, “mưa” thật rồi! “Mưa” từ nửa vòng trái đất “mưa” qua…

Vì công việc, mãi đến ngày hôm sau tôi mới về đốt nhang cho ngoại, nhìn ngoại lần cuối cùng qua tấm kính trong suốt của áo quan, để rồi chỉ còn được nhìn thấy ngoại qua di ảnh, để rồi xót xa khi thằng bạn gửi cho bài hát “Về Quê Ngoại” của Hương Lan. “Quê tôi bây giờ vẫn là vùng trời quê xưa, riêng tôi đau lòng, bởi vì ngoại đã đi xa. Ngoại tôi đã đi theo tuổi già, mang theo tiếng ru trưa mặn mà, lời ru cánh võng thưở tôi còn thơ đã thành xa mờ…” Ngoại tôi không có những lời ru, ngoại tôi có sự quan tâm con cháu rất chân thành của bà lão nhà quê. Ngoại tôi có những ngày làm ruộng, làm đồng dưới trời trưa nắng gắt, đi bán cau khô, ngồi dưới cây dù to trong chợ, kế bên bà bán sinh tố để cân từng ký cau, dừa khô. Ông ngoại mất để cho bà gánh nặng chín đứa con. Có thể nói từ một người chẳng phải làm việc gì, bà trở thành người buôn gánh bán bưng, làm nhiều việc hơn hồi ông còn sống. Sau này, tôi nghe kể lại, có lần bà đem bán cả dì tôi, nhưng cuộc mua bán không thành vì người ta chê dì tôi nhỏ quá! Có lẽ, dì thù ghét bà lắm, nhưng tôi nghĩ hẳn bà có lý do của bà.

Bạn thử tưởng tượng một mình bạn phải nuôi chín đứa con trong những ngày kinh tế khó khăn vì chiến tranh, trong những ngày bữa cơm chỉ có bo bo, khoai mì và rau luộc. Bạn có muốn con bạn phải ăn những món đó suốt đời không? Và thế là lại lao vào làm việc. Hồi xưa chiến tranh, có khi đang cho heo ăn mà nghe pháo nổ, bom rơi là chạy xuống hầm trốn không kịp, có những ngày xách nước tắm cho heo mà thấy xác chết trôi trên dòng sông, mấy cậu mấy dì tôi phải đi bán khoai mì, bán bánh phụ giúp cho ngoại, bữa nào ế thì ăn những món đó thay cơm. Cái này là cậu tôi kể lại. Má tôi thì kể hồi xưa phải đi coi ké truyền hình nhà người ta. Bạn có đau lòng không khi nhìn thấy những đứa con mình như thế?! Dường như nó quá sức chịu đựng của một góa phụ và trong lúc cần tìm một lối thoát, bà mới có hành động nhẫn tâm đối với dì.

Ngày xưa về ngoại chơi, tôi thích nhất là ra chợ ngồi với ngoại, vì thể nào tôi cũng có bịch sinh tố của bác kế bên mà ăn cho đã, hết sinh tố rồi đến kem chuối…Tan chợ, lẽo đẽo theo bà về với gói cốm dẹp trên tay. Ngày xưa về ngoại chơi là không thể thiếu những ngày chạy ra dọn cau khô, dừa khô cho ngoại vì những cơn mưa bất chợt. Ngày xưa, ở dưới quê, sợ ma lắm, nhưng mà cứ mong hè để được về quê ngoại.

Một hôm lang thang nhà sách, tôi bắt gặp quyển “Xin cho tôi một vé đi tuổi thơ”. Nếu có một đoàn tàu nào bán vé, tôi sẽ mua ngay để trở về với tuổi thơ mình, tuổi thơ mà có bà ngoại ngồi lựa cau khô, có bà ngoại cay mắt vì nướng bánh phồng cho cháu. Tuổi thơ đang chơi ngoài sân thì ngoại gọi vào ăn cua đồng luộc, ăn ốc gạo chấm nước mắm, … Trước sân nhà, hàng cây bạch đàn xanh mát, gió rì rào yên ả buổi trưa hè.

“... Gió trên cao bây giờ gió thổi về đâu. Cho tôi nhắn gửi đôi lời. Lời thương cho ngoại…”. Ngoại ơi!...

_ (()) _
-Diệu Hoàng

No comments:

Post a Comment