November 26, 2015

Hoi Ton pagoda, Ben Tre city, Mekong delta, Viet Nam.


Hội Tôn là một ngôi chùa cổ của thành phố Bến Tre, qua khỏi cầu Bến Tre đến ngã tư đầu tiên là đường vô chùa, còn phải đi ngang qua khu công nghiệp Giao Long rồi quẹo tay trái vào, ngang qua công trường đầy cát bụi, bây giờ chắc đỡ bụi rồi vì tới nay cũng đã hơn hai năm kể từ ngày Gia đình Phật tử đến tham quan chùa nhân trại từ thiện ngành Nữ Quảng Đức, vào đến con đường đất (không biết bây giờ đã tráng nhựa chưa?) thì một không khí trong lành khác hẳn với cái bụi mù trời ở ngoài kia, một bên là nhà dân, một bên là cây xanh, đồng ruộng, cũng có nhà nhưng nhà bên tay phải thì nhiều hơn nhà bên tay trái, hình như người ta đang quy hoạch gì đó. Tôi đọc nhiều bài viết về chùa, thấy thường viết về lịch sử, niên đại chùa được xây dựng từ hồi năm nào, trùng tu năm nào (nếu có), rồi chùa được công nhận di tích vào năm nào, … Tôi không muốn viết ra đây dài dòng chi tiết, không khéo nó trở thành một bài “lịch sử chùa Hội Tôn” mất. Tui muốn viết về chùa theo sự quan sát của mình và cảm nghĩ của các chị em Người Áo Lam (vì là trại của ngành Nữ mà). Tôi cũng không muốn viết về trại từ thiện này, chỉ xin đề cập đến vì đó là nhân duyên cho tôi có cơi hội đi bộ (đoạn từ đầu đường khu công nghiệp đến chùa), một đoan đường đất tương đối dễ đi và không xa lắm cho chị em vừa đi, vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, có cả quay phim nữa. Nhờ vậy mà cảm nhận được không khí làng quê, đường mòn với cây xanh bóng mát, hàng dừa nghiêng nghiêng, một số chị lớn tuổi đi bộ bị mệt, mấy bạn Thiếu Nữ xúm lại dìu đi và các bạn khác thì đi chậm lại để đợi và cũng là tranh thủ chụp hình, đoạn đường nắng nóng mà hông ai thấy nóng. Cổng vào chùa là cổng tam quan bên tay phải, đi vào chừng ba mét thì có một cái cổng nữa, bước qua cổng đó thì bạn mới thật sự tới chùa. Cũng như cách bố trí của nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam, vừa qua cánh cổng tròn nhỏ hơn cổng tam quan, chúng ta sẽ thấy ngay tượng Quan Âm thờ ở sân chùa mà người ta hay gọi là Quan Âm Lộ Thiên, ngài đứng đó, chiếc áo choàng bay phấp phới, nụ cười hiền hòa nhìn chúng sanh là chị em Người Áo Lam đây, khi nghe các chị em hình như không để ý đến ngài mà cứ đi “săm soi” cái chánh điện của chùa. Chánh  điện được xây nổi trên một tòa sen có thể nói là khổng lồ. Nghe má tôi kể lại là chùa được xây dựng theo như trong giấc mơ của thầy trụ trì, lúc đang xây chùa, thầy nằm mơ thấy chùa như vậy nên quyết định “biến giấc mơ thành hiện thực”. Bao quanh chánh điện là dòng nước trong xanh, để ngày rằm hay lễ tết, thầy tổ chức thả hoa đăng, thay vì bậc thềm bình thường của một hồ nước thì thầy xây nhưng các cánh sen xen kẽ nhau, chánh điện chùa là tâm sen, nhìn xa thì chùa như đang nổi lên từ một hồ sen lớn, còn nhìn từ trên xuống, tôi nghĩ chánh điện chùa như một đóa sen nghìn cánh, tối thầy cho thắp đèn sáng lung linh rất đẹp. Bên trong chánh điện, trên trần là hình ảnh của các vị Phật, bồ Tát, La hán, có bát tiên, có mây bay, như là cảnh nơi Phật quốc. Đó cũng là cảnh mà thầy đã thấy trong giấc mơ, có vị thầy thấy thầy xây chùa như vậy nên “báo mộng” cho thầy xây chùa theo kiểu như vậy, và với kiến thức của một người biết về xây dựng, thầy đã hiện thực hóa cảnh mà thầy thấy trong giấc mơ mà vị thầy trong mơ bảo thầy xây, làm chị em chúng tôi đến như lạc vào cõi Phật vì nó không như cách bài trí chánh điện của những ngôi chùa khác. Quả là không bõ công ngồi xe hơn tám mươi cây số và là một “quyết định sáng suốt” khi xong việc từ thiện ở chùa Phật Minh rồi nhất định qua thăm viếng chùa Hội Tôn này. Tôi không biết vì sao chùa tên Hội Tôn, tự dựng đi về, cảm khái làm mấy câu thơ, viết ra đây cho các bạn “đọc chơi”:

(Từ)... Hội bàn đào, ta trở lại,

Tôn Ngộ Không nay đã khác xưa rồi

Tự thiền môn đắc Đấu Chiến Thắng Phật...

Thiền môn của thầy thật đẹp, thật yên tĩnh, kế bên chánh điện hoa sen (tui mạn phép gọi cái chánh điện vừa kể trên là chánh điện hoa sen), thầy đang xây một cái hồ hình vuông, chính giữa là bệ thờ tam thế Phật, đường qua bái Phật là những lá sen và cánh sen bằng xi-măng- có lối vào Bát Chánh- là những con đường nhỏ mang tên Chánh Định, Chánh Kiến, Chánh Tư Tuy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Niệm, Chánh Ngữ, thầy ghi trên bảng tên đường, chữ trắng, nền xanh, làm người Áo Lam đọc thấy như là đi trên miền tịnh độ. Phật pháp thể hiện một cách sáng tạo và có lẽ là đầy ngụ ý, vì đường nào cũng về Bát Chánh về nơi tam thế Phật quang.

Tôi không nhớ chùa có thờ Đấu Chiến Thắng Phật không, nhưng mà cái tên chùa gợi lên nhiều liên tưởng. Hôm đi tiền trạm trời mưa tầm tã, cứ sợ đến ngày đi từ thiện mà mưa thì không biết chỗ đâu mà chơi với các em ở chùa Phật Minh và thăm chùa Hội Tôn. May sao, trời nắng tốt, mấy chị em chụp hình cũng nhiều lắm, có quay phim về phát hành đĩa lưu niệm nữa. Nhớ nhất cái đoạn thầy trụ trì chùa Hội Tôn bảo rằng Gia đình Phật tử tụi con có cái vinh hạnh là mang tên của một vị bồ tát (gia đình mà chị em người áo Lam tui tôi đang sinh hoạt gọi chung là Gia đình Phật tử Quảng Đức)… Cái điều này nghe thầy nói tôi mới nhận ra và thấy thật là hân hạnh, khi chúng tôi được thầy khuyên dạy Phật pháp, khai mở cho nhiều điều về hoạt động của gia đình Phật tử.

Chùa Hội Tôn ở Bến Tre, ngôi chùa nằm trên cánh hoa sen giữa lòng thành phố xứ dừa. Một nơi rất đáng để chiêm bái và tự hào về kiến trúc đình chùa Việt Nam. Địa chỉ ư? Bạn cứ Google sẽ có ngay địa chỉ cụ thể, tôi không tiện nêu ra đây vì tôi đã nói rồi. Tôi viết về ngôi chùa này vì ai đến cũng trầm trồ ấn tượng về cảnh quan của chùa và cũng để cho bạn có chút tò mò, nếu có lòng thành và thật sự quan tâm thì phải bỏ thời gian tìm hiểu thêm.

Phần thưởng sẽ là một chốn thanh tịnh, khung cảnh vừa hiện đại, vừa cổ xưa, vừa “thần tiên” nữa chứ, cứ như là:

HỘI bàn đào, ta trở lại,

TÔN Ngộ Không nay đã khác xưa rồi

TỰ thiền môn đắc Đấu Chiến Thắng Phật.
-Diệu Hoàng- từ Virginia

*Nếu bạn vẫn chưa tìm được địa chỉ thì xin liên hệ Người Áo Lam, bạn nhé! Chúc bạn chuyến hành hương vui vẻ!


No comments:

Post a Comment