April 10, 2014

Luận khóa A Dục 05/ 2009 - Đề tài: Các hội Phật giáo Việt Nam trước năm 1963

I.       Giai đoạn từ năm 1923 đến 1945:
a.                  Các hội Phật giáo tại miền Nam:
1.      Hội Lục Hòa Liên Hiệp:
-         Năm 1923, thiền sư Khánh Hòa quy tụ quý tôn túc ở miền Tiền Giang, Hậu Giang tại chùa Long Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh bàn luận về vấn đề chấn hưng Phật giáo.
-         Sau cuộc hội bàn, Hội Lục Hòa Liên Hiệp đđược thành lập với mục đích vận động thành lập Hội Phật Giáo Toàn Quốc. Đa số các vị tôn túc có mặt trong buổi luận bàn đều là thành viên của Hội. Tuy nhiên, sau bốn năm trời, thiền sư Khánh Hòa bôn ba nhiều nơi, từ tổ đình này đến tổ đình khác vẫn không đạt được mục đích thành lập hội.
-         Năm 1927, bài viết về ý nguyện chấn hưng Phật giáo do một số Phật tử Hà Nội đề xướng được đăng tải trên tờ Thực Nghiệp- miền Bắc, thiền sư Khánh Hòa liền gửi sư Thiện Chiếu ra Bắc liên lạc với các tổ đình ngoài đó để trao đổi, trình bày nguyện vọng của mình, nhưng mục đích lập Hội Phật Giáo Toàn Quốc cũng không thể nào thực hiện được. Bấy giờ, thiền sư Khánh Hòa và Huệ Quang thống nhất phương án thứ hai: hình thành các Hội Phật Giáo theo từng miền một.
2.      Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học:
-         Đầu năm 1928, thiền sư Khánh Hòa, Huệ Quang cùng với các thiền sư Thiện Niệm , Từ Nhẫn, Chơn Huệ và một số cư sĩ trí thức như Ngô Văn Chương, Phan Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chấn, … tổ chức tại chùa Linh Sơn, đường Douaunont- Sài Gòn một học đường để giảng giải giáo lý và giáo dục tăng sinh, gọi là Thích Học Đường, đồng thời, một Phật học thư xã cũng đđược thiết lập. Hai cơ sở này là những trợ duyên thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở chính là chùa Linh Sơn, ban lãnh đạo gồm:
+    Hội trưởng                              : Thiền sư Từ Phong
+    Phó Hội trưởng thứ nhất        : Thiền sư Khánh Hòa

+    Phó Hội trưởng thứ hai         : Thiền sư Trần Nguyên Chấn
-         Hội này được xem là hậu thân của Hội Lục Hòa Liên Hiệp, tuy nhiên, hoạt động của Hội này không đạt được mục đích ban đầu khi thành lập Hội, do sự bất đồng giữa hai Phó Hội Trưởng.
3.      Hội Lưỡng Xuyên Phật Học:
-         Năm 1933, do không có sự hợp tác từ thiền sư Trần Nguyên Chấn- Phó Hội Trưởng Thứ Hai của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Phó Hội trưởng thứ nhất- thiền sư Khánh Hòa về Trà Vinh lập “Liên Ðoàn Phật Học Xã”, tổ chức Phật Học Đường lưu động. Ba tháng thay đổi nơi cư trú vì không có một ngôi chùa nào có thể đủ khả năng nuôi dưỡng giáo sư và tăng sinh lâu dài. Thiền sư Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang và Pháp Hải cộng tác với một số cư sĩ ở Trà Vinh thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học (Lưỡng Xuyên là hai con sông: sông Tiền và sông Hậu). Hội chính thức ra mắt ngày 13/ 08/ 1937 tại Trà Vinh. Hội xuất bản tạp chí “Duy Tâm”- cơ quan ngôn luận và truyền bá giáo lý của Hội.
4.      Hội Phật Học Kiêm Tế:
-         Năm 1934, nhà sư Thích Trí Thiền và nhà sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế- bên cạnh việc học Phật cần phải “kinh bang tế thế”. Ngay khi thành lập, Hội tổ chức một viện mồ côi tại chùa Tam Bảo. Hội chủ yếu kêu gọi Phật giáo đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa.
5.      Hội Tịnh Độ Cư Sĩ:
-         Hội trưởng                  : tăng sĩ Minh Trí
-         Hội viên                     : chủ yếu là cư sĩ
-         Trụ sở hoạt động        : chùa Tân Hưng Long, xã Phú Định, Chợ Lớn.
-         Phát hành báo Pháp Âm, chủ nhiệm: Lê Văn Hậu, chủ bút: Trần Văn Quỳnh.
Hội Tịnh Ðộ cư sĩ công kích đường lối phục hưng Phật Giáo của Hội Phật Học Kiêm Tế cũng như đường lối của một số Hội khác.

Ngoài các Hội Phật Giáo họat động mạnh mẽ và rộng rãi, còn có các Hội Phật Giáo khác nhưng không phát triển địa bàn hoạt động:

1.      Hội Phật Giáo Liên Hữu: vị trụ trì chùa Bình An tỉnh Long Xuyên sáng lập năm 1932
2.      Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu: Thiền sư Huệ Đăng sáng lập năm 1934, trụ sở ở chùa Thiên Thai- Bà Rịa.
3.      Hội Phật Giáo Tương Tế: do Lệ Phước Chí,  trụ trì chùa Thiên Phước- Sóc Trăng sáng lập năm 1934
b.      Các Hội Phật Giáo tại miền Trung:
1.      Hội An Nam Phật Học, thành lập 1932:
-         Hội trưởng                  : cư sĩ Tâm Minh- Lê Đình Thám
-         Chứng minh đạo sư    : thiền sư Giác Tiên
-         Hội viên                     : Nguyễn Khoa Tân, …
-         Trụ sở                         : chùa Trúc Lâm – Huế, đây cũng là Phật học đường đầu tiên. Tuy nhiên, các buổi giáo lý được giảng giải thường xuyên tại chùa Từ Quang.
-         Tạp chí của Hội          : Viên Âm, phát hành đầu tiên ngày 01/ 12/ 1938.
-         Hội đặc biệt đưa giáo lý đến với tầng lớp thanh niên trí thức. Ðoàn Phật Học Đức Dục ra đời là tên gọi đầu tiên  của Gia Đình Phật Tử ngày nay.
2.      Hội Ðà Thành Phật Học: thành lập tại Ðà Nẵng, nhờ sự hỗ trợ của thiền sư Tôn Nghiêm- chùa Linh Ứng, thiền sư Tôn Bảo- chùa Vu Lan, thiền sư Thiện Quả- chùa Tam Thai, … Hội chọn chùa Phổ Ðà làm Phật đường và phát hành tạp chí Tam Bảo do thiền sư Bích Liên (Bình Định) làm chủ bút.
c.       Các Hội Phật Giáo ở miền Bắc:
1.  Hội Phật Giáo Bắc Kỳ: thành lập năm 1934 với mục đích đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo của các thiền sư cũng như các cư sĩ : thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo, cư sĩ Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ.
-     Hội trưởng      : Nguyễn Đăng Quốc
-     Pháp chủ         : thiền sư Thanh Hạnh- chùa Vĩnh Nghiêm
-     Trụ sở             : chùa Quán Sứ, đđường Richard- Hà Nội.
II.        Thành quả của các hội Phật giáo trong thời gian này (1923- 1945):
Ta thấy mục tiêu chung để thành lập Hội Phật giáo rất cụ thể, rõ ràng; nhưng các Hội Phật giáo hình thành và hoạt động trong 22 năm qua lại không có sự lãnh đạo duy nhất, đường lối hoạt động khác nhau, thậm chí trái ngược và đôi khi chống đối lẫn nhau. Tuy nhiên, có ba hội hoạt động mạnh, có hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến quần chúng nhân dân. Ðó là: Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, Hội An Nam Phật Học và Hội Phật Giáo Bắc Kỳ. Các thành quả cụ thể:
-         Các Phật học đường mở ra khắp nơi để đào tạo tăng tài.
-         Tạp chí Từ Bi Âm, Viên Âm, Ðuốc Tuệ là công cụ phổ biến giáo lý của đức Phật và trình bày quan điểm cuả Hội, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc. Người dân đã có suy nghĩ tương đối đúng đắn về đạo Phật thông qua hình ảnh trang nghiêm, thanh tịnh của cảnh chùa với nếp sống thiền môn và phong thái từ hòa của các vị hòa thượng, chư tăng.
-         Nhờ việc xuất bản nhiều kinh sách nên giáo pháp cuả Ðức Phật được phổ cập rộng rãi đền nhiều nơi và giảm được nạn mê tín dị đoan.
-         Thành quả đáng ghi nhận cuả Hội An Nam Phật học là việc chú trọng giáo dục tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ là tương lai đất nước, những người sẽ kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp cuả ông cha. “Sân chơi” đầu tiên mà Hội An Nam Phật Học tổ chức cho những người trẻ, thanh niên trí thức  là Ðoàn Phật học Ðức Dục, sau đó là Ðoàn Ðồng Ấu Phật Tử, sau chuyển thành Gia Ðình Phật Hóa Phổ và ngày nay chính là Gia Ðình Phật Tử. Một tổ chức đang ngày càng được các bạn trẻ quan tâm, như một “phương tiện” để “đem đạo vào đời”.
III. Giai đoạn từ năm 1945- 1951:
Sau cuộc cách mạng tháng Tám, Phât tử các nơi từ Nam ra Bắc đều hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Các đoàn thể tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc được thành lập ở nhiều nơi.
Tại Huế, các đoàn thể thanh niên đang trên đường phát triển mạnh nhưng phải tạm ngưng sinh hoạt do huynh trưởng và tăng sĩ trẻ đều bận tham gia cách mạng. Hoạt động của Gia đình Phật Hóa Phổ cũng phải tạm dừng. Trước tình hình đó thiền sư Thích Mật Thể cùng hợp tác với Ðoàn Phật Học Ðức Dục và một số tăng sĩ khác đã vượt qua nhiều khó khăn phát hành tạp chí “Giải Thoát” với mục đích nêu lên niềm tin, lập trường thích nghi Phật giáo với nếp sống cách mạng, dưới tên tạp chí có ghi dòng chữ lớn như một khẩu hiệu: Cơ quan nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới.
Tại miền Trung (Trung phần), ngài Trí Thủ vận động mở cửa các Phật học đường Bảo Quốc, Diệu Ðức (1947). Tháng 06/ 1948, Hội An Nam Phật học hoạt động trở lại với tên gọi mới: Việt Nam Phật học, trụ sở đặt tại Nguyễn Hoàng (Huế). Cư sĩ Chơn An Lê Văn Ðịnh làm hội trưởng.
Bên cạnh đó, Gia đình Phật Hóa Phổ cũng lần lượt tái sinh hoạt. Năm 1947, Sơn môn tăng già được tổ chức lại với tên gọi Sơn môn Tăng già Trung Việt, ngài Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tùng Lâm Pháp Chủ, trụ sở đặt tại chùa Linh Quang (Huế)
Tại miền Bắc, tháng 08/ 1949, đại hội chư tăng được triệu tập tại chùa Quán Sứ, thành lập Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt. Năm 1950, đổi lại là Phật giáo Tăng giá Bắc Việt, thiền sư Mật Ứng được suy tôn làm Pháp chủ. Phật học đường cũng mở cửa lại để tiếp tục trọng trách đào tạo tăng ni.
Cùng năm 1949, Hội Việt Nam Phật giáo được thành lập tại chùa Quán Sứ- Hà Nội, cư sĩ Bùi Thiện làm Hội Trưởng. Mô hình Gia đình Phật Hóa Phổ bắt đầu phát triển ở miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội Phật tử Việt Nam được thành lập tại chùa Chân Tiên. Tuy nhiên, hoạt động của Hội này không được rộng rãi.
Tại miền Nam, năm 1946, thiền sư Trí Tịnh, Quảng Minh lập Phật học đường Liên Hải- Chợ Lớn. Các Phật học đường Mai Sơn, Ứng Quang- Chợ Lớn, Phật Học đường Trà Vinh- Trà Vinh thu nhận nhiều tăng sinh. Năm 1950, các Phật học đường được thống nhất làm một và lấy tên là Phật học đường Nam Việt, trụ sở chính là chùa Ứng Quang, tức chùa Ấn Quang ngày nay.
Ngày 22/ 02/ 1951, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tập họp những cư sĩ thuần thành, có nhiệt tâm, nhiệt tình để thành lập Hội Phật học Nam Việt, hội trưởng là cư sĩ Nguyễn Văn Khoẻ- đã từng phục vụ cho Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Trụ sở đầu tiên được đặt tại chùa Khánh Hưng, sau dời về chùa Phước Hòa- Bàn Cờ. Sau khi chùa Xá Lợi được xây dựng xong, trụ sở của Hội được dời về chùa này.
Trong cùng thời điểm này, Gia đình Phật hóa phổ cũng bắt đầu phát triển ở miền Nam.
Tháng 06/ 1951, các chư tăng tổ chức đại hội ở chùa Hưng Long, thành lập giáo hội tăng già Nam Việt, trưởng ban trị sự là thiền sư Ðạt Từ, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang.

Trong khoảng 6 năm từ Cách mạng tháng 8/ 1945 đến 1951, tuy gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng nhờ sự đoàn kết và tinh thần giữ gìn phát triển đạo Pháp của tăng ni trong nước, hai tập đoàn của Phật giáo: Giáo hội tăng già và Hội Phật học đã được thành lập và đi vào hoạt động.
IV. Giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1963:
Năm 1951, khi các tập đoàn tăng già và cư sĩ hoạt động ổn định, đại hội Phật giáo toàn quốc được tổ chức tại chùa Từ Ðàm- Huế. Ðại hội nhất trí tập họp lại thành một khối Phật giáo thống nhất, tên là “Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam”. Ðại hội đã thảo luận và thông qua bản điều lệ, nội quy cuả hội, bầu ban quản trị, hội chủ là ngài Thích Tịnh Khiết.
Năm 1952, các đoàn thể Tăng già Bắc- Trung- Nam cũng tổ chức đại hội tại chùa Quán Sứ- Hà Nội, thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc. Ðại hội cũng đã công cử một ban tổng trị sự, thượng thủ là ngài Thích Tuệ Tạng.
Các tổ chức Phật giáo trên đã tuyên bố “không mang màu sắc chính trị”. Chính quyền lâm thời công nhận sự thống nhất thành một khối của các tổ chức Phật giáo nhưng thực chất vẫn muốn gây chia rẽ để dễ dàng lợi dụng làm công cụ tuyên truyền chính trị, đối kháng cách mạng. Chúng đãlập các hội Phật giáo khác như Thuyền Lữ ở miền Trung, Phật giáo Cổ Sơn Môn ở miền Nam để bôi nhọ Phật giáo. Tuy nhiên, với những hiểu biết về giáo lý cuả đạo Phật, hai hội này đã bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, ở các vùng kháng chiến đều có tổ chức Phật giáo cưú quốc nhưng các ủy ban nhân dân lại có hành động xâm phạm đến tăng sĩ, tự viện và các giáo đường cuả các tôn giáo, gây sự phản ứng từ các tín đồ ở địa phương. Trước tình hình đó, chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh bảo vệ quyền tự do, tín ngưỡng, nhưng trên tinh thần vẫn chưa thực sự tôn trọng, vẫn tồn tại một số người bên ngoài rất tán dương Phật giáo nhưng bên trong suy nghĩ laị ngấm ngầm công kích Phật giáo.
Ở nông thôn, làng xã nào có tổ chức khuôn Tịnh độ thì ở làng xã ấy có nhiều thay đổi tích cực, đa số những người tham dự vào công việc hành chánh ở thôn, xã của cách mạng là Phật tử. Trong mười hai năm (1951 – 1963) từ khi thành lập tổng Hội Phật gioáo Việt Nam,  đã có rất nhiều tăng sĩ, huynh trưởng gia đình Phật Hóa Phổ đã xả thân cho cách mạng, nhưng những sự hy sinh này chỉ được ca ngợi ở hình thức bên ngoài, bên trong thì vẫn còn cho rằng Phật giáo là nguy hại, những người theo Phật giáo đã bị thực dân ru ngủ và lợi dụng. Có thể từ sự nghi ngờ này mà chính quyền lâm thời đã áp dụng chính sách mang tính đè nén Phật giáo. Các hội Phật giáo lúc bấy giờ tuy đã tham gia kháng chiến, đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc nhưng vẫn chưa thể “giải tỏa mối nghi ngờ này”!
KẾT LUẬN
Với thành quả cụ thể, được nhắc đến nhiều nhất đó là tổ chức Gia đình Phật tử, kết quả mà các hội Phật Giáo đạt được là nhờ sự hy sinh cuả rất nhiều tăng sĩ cũng như Phật tử ở khắp nơi trong cả nước. Sự hình thành các hội Phật giáo đã chứng minh phong trào chấn hưng Phật giáo vẫn còn là một con đường dài phiá trước và tổ chức Gia Ðình Phật tử đang đi trên con đường đó. Từ tên gọi ban đầu là Ðoàn Phật học Ðức Dục, sau đó là Gia đình Phật Hóa Phổ, cho đến tên Gia đình Phật tử, Gia đình Phật tử Việt Nam ngày nay. Sau thời gian dài tạm ngưng sinh họat đã họat động trở lại cũng đã phần nào thực hiện được tâm niệm của người sáng lập Gia đình Phật tử, cư sĩ- bác sĩ Tam Minh- Lê Ðình Thám. Gia đình Phật tử ở thế kỷ hai mươi mốt vẫn tiếp nối và thực hiện mục đích “đào luyện thanh thiếu đồng niên thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần phần giáo”. Ðó là một sứ mạng, một “trọng trách” cuả người áo Lam trong xã hội hiện đại ngày nay, ngoài các vị tăng già chân chính, đạo hạnh, còn phải có sự góp sức của các Phật tử tại gia, thuần thành, trung kiên, tích cực hộ trì đạo pháp mà đứng đầu phải là những huynh trưởng Gia đình Phật tử, sao cho:
“… Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông…”










PHỤ LỤC
 Tài liệu tham khảo:
-         Tài liệu huấn luyện huynh trưởng cấp 1 A Dục.
-         “Cư sĩ Phật tử cần biết”- Thầy Minh Tâm, chùa Phật Ân.
-         “Việt Nam Phật giáo sử luận”, quyển 3- Nguyễn Lang.

-         Trang web: www.thuvienhoasen.net

No comments:

Post a Comment